Quyết định 4015/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 4015/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2016
Ngày có hiệu lực 28/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4015/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tnh Thái Bình đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tờ trình số 181/TTr-SKHĐT ngày 22/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Đổi mới tư duy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, xác định rõ vai trò của Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là chia sẻ lợi ích và rủi ro với tư nhân, đảm bảo nợ công trong phạm vi an toàn.

- Phát triển kết cấu hạ tầng phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020.

- Đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải có tính hiện đại, đồng bộ, kết nối, liên thông trong từng công trình kết cấu hạ tầng và trong toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giữa các ngành, lĩnh vực hạ tầng, giữa các hạng mục công trình hạ tầng then chốt và các hạng mục công trình khác có liên quan gắn liền với các vùng, lãnh thổ.

- Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu phát triển

- Về hạ tầng giao thông: Xây dựng hoàn thành các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn có tính huyết mạch liên vùng trong tỉnh và liên kết với tỉnh lân cận, thường xuyên duy tu bảo đảm giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn trong mọi tình huống, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để phát triển và quản lý giao thông vận tải gắn với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa giao thông vận tải.

- Về hạ tầng thủy lợi: Ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tưới, tiêu nước cho diện tích lúa, cây vụ đông, vùng sản xuất hàng hoá và nuôi thủy sản tập trung. Đầu tư xây dựng các đập ngăn mặn xâm nhập, tiếp tục tu bổ, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia.

- Về hạ tầng đô thị: Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; chú trọng phát triển giao thông, điện, cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trên địa bàn thành phố và các thị trấn trong tỉnh.

- Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp, bố trí không gian sản xuất khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải và chất thải công nghiệp đảm bảo phát triển bền vững.

- Hạ tầng xã hội: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giáo dục và y tế tiên tiến, hiện đại; xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện, trung tâm y tế; tiến tới hình thành một số trường đại học và một số cơ sở khám chữa bệnh đạt trình độ quốc tế với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị hiện đại.

3. Nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

a) Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm

- Quốc lộ: Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Tuyến quốc lộ ven biển; Tuyến đường liên tỉnh Hà Nam - Thái Bình; Quốc lộ 10; Quốc lộ 39; Quốc lộ 37 và Quốc lộ 37B;

- Tỉnh lộ: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ĐT458 (tỉnh lộ 39B), ĐT.454 (đường 223 cũ), ĐT.453 (đưng 226 cũ), ĐT.452 (đường 224 cũ), ĐT396B (đường 217 cũ), ĐT.462 (đường 221A cũ), ĐT.459 (đường 219 cũ, huyện Thái Thụy) đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Các đường tỉnh khác giữ nguyên hướng tuyến, nâng cấp cải tạo đạt tiêu chuẩn cấp III, IV đồng bằng. Dự kiến mở thêm một số tuyến mới như: Tuyến từ thành phố Thái Bình đến Đồng Tu; Tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL38B; Tuyến theo hướng Đông Tây nối khu vực phía Bắc thành phố Thái Bình dọc theo sông Trà Lý kết nối với đường quốc lộ ven biển tại Đồng Châu.

- Giao thông đô thị: Hoàn thiện và cải tạo chỉnh trang các tuyến đường trong đô thị; Ưu tiên đầu tư xây dựng đường vành đai, xây mới và cải tạo những tuyến đường trọng điểm đóng vai trò xương sống tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho đô thị.

[...]