Quyết định 1665/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1665/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/08/2023
Ngày có hiệu lực 08/08/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1665/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 08 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 15/7/2023 VÀ CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương;

Căn cứ Công văn số 4835/VPCP-DMDN ngày 30/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế;

Căn cứ Công văn số 5205/VPCP-DMDN ngày 12/7/2023 về tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 114/SKHĐT-TT ngày 31/7/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với những nội dung chính như sau:

A. MỤC TIÊU

1. Tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh, Quyết định số 3555/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh.

2. Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho người dân, doanh nghiệp, dự án đầu tư, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

3. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính các cấp, các ngành và địa phương.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. Quan điểm, định hướng

1. Yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân[1], xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành.

2. Nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình; tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế của tỉnh, bao gồm: tiêu dùng trong nước; xuất khẩu; đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công, gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

3. Tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững.

4. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, biểu dương và khen thưởng cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đẩy mạnh cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

5. Tổ chức triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai thực hiện để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tăng cường thông tin truyền thông, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

6. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

II. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu

a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương:

- Thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các quy định xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như gạo, tiêu, cao su, thủy hải sản, rau củ quả các loại…; chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục, cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của các nước đối tác.

- Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến nông sản, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 trên các lĩnh vực vận tải hàng hóa, thương mại, du lịch,... trong đó, xúc tiến hỗ trợ mời gọi các nhà đầu tư lớn tham gia quy hoạch, đầu tư phát triển, khai thác đồng bộ khu vực Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

[...]