Kế hoạch 4872/KH-UBND về theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Quảng Nam năm 2023

Số hiệu 4872/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2023
Ngày có hiệu lực 25/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4872/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 25 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CỦA TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2023

Thực hiện nội dung chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và Tỉnh ủy Quảng Nam trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng và các mục tiêu của chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua xem xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 181/TTr-TT&TT ngày 18/7/2023 và Tờ trình số 135/TTr-TT&TT ngày 29/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVC trực tuyến) của tỉnh Quảng Nam năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến song song với chỉ số CCHC trên địa bàn; gia tăng sự tin tưởng của người dân vào bộ máy hành chính nhà nước nói chung và quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ thông qua Bộ phận một cửa nói riêng.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và địa phương; nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy CCHC, nâng cao các chỉ số về CCHC, chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện...

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, minh bạch thông tin, tiết kiệm giảm chi phí, tạo thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

2. Yêu cầu

- Tăng cường việc chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC, triển khai DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến một cách sáng tạo, hiệu quả, toàn diện; bám sát các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định pháp luật gây khó khăn, phiền hà trong thực hiện giải quyết TTHC; chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ giấy đối với hồ sơ trực tuyến.

- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và địa phương quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xác định cải cách TTHC, triển khai DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong chỉ đạo, điều hành.

- Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong việc cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách TTHC, triển khai DVC trực tuyến và thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC.

- Huy động sự tham gia vào cuộc tích cực của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách TTHC, triển khai DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

- Đảm bảo thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

- Đảm bảo thực hiện các mục tiêu được giao tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/4/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14/10/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 17/11/2022 của Tỉnh ủy tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ, Chỉ thị số 38- CT/TU ngày 31/3/2023 về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, kế hoạch triển khai của UBND tỉnh: Quyết định số 3441/QĐ- UBND ngày 24/11/2021 Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 8793/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2023.

b) Mục tiêu cụ thể:

- 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình; phấn đấu đạt tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tối thiểu tăng 10% so với năm 2022.

- 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa (người dân, doanh nghiệp không đến Bộ phận một cửa, mà thực hiện DVC trực tuyến từ xa tại nhà, tại nơi làm việc).

- Rà soát để đưa 100% TTHC được tiếp nhận và theo dõi trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, không để xảy ra hồ sơ chậm muộn giải quyết vì lý do chủ quan của cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức.

- 60% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến. Định kỳ rà soát đối với các TTHC không phát sinh hồ sơ (trực tiếp, trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích) để tham mưu UBND tỉnh Phê duyệt lại Danh mục DVC trực tuyến.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị biết và sử dụng DVC trực tuyến.

- Số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đạt 70%, cấp huyện đạt 60%, cấp xã đạt 55%.

2. Nhiệm vụ

- Tiếp tục rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, đáp ứng các yêu cầu quản lý của tỉnh và của các Sở, Ban, ngành và địa phương trong tiếp nhận giải quyết TTHC; rà soát, chuẩn hóa thông tin TTHC, DVC trực tuyến một cách đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến xã đảm bảo 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tích hợp, đồng bộ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.

[...]