Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương do Chính phủ ban hành

Số hiệu 105/NQ-CP
Ngày ban hành 15/07/2023
Ngày có hiệu lực 15/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/NQ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 05 năm 2023 trực tuyến với các địa phương;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản số 5152/TTr-BKHĐT ngày 03 tháng 7 năm 2023 và số 5340/BKHĐT-TH ngày 07 tháng 7 năm 2023,

QUYẾT NGHỊ:

Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp; hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…; tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp, hàng rào bảo hộ tăng; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực gia tăng; trong khi đó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản,... Nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn như các ngân hàng thương mại yếu kém, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... cần tập trung thời gian và nguồn lực để giải quyết.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ quan và địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, thực hiện theo thẩm quyền, tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt và trong trung, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp, các ngành.

2. Nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình; tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, bao gồm: tiêu dùng trong nước; xuất khẩu; đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công, gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

3. Tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách về thương mại, quản lý ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

4. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, đồng thời có chính sách bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đẩy mạnh cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

5. Nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tổ chức triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai thực hiện để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tăng cường thông tin truyền thông, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

6. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

II. MỤC TIÊU

1. Tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

2. Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

3. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính, các cấp, các ngành, các địa phương.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu

a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:

- Triển khai các chính sách kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, bán hàng Việt tại các khu đô thị, khu công nghiệp,...; tăng cường truyền thông, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, khuyến mại, giảm giá,...

- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng.

- Sớm hoàn tất thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel; thúc đẩy đàm phán và kết thúc vào tháng 8 năm 2023 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE); thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (Việt Nam - EFTA FTA);…

[...]