Quyết định 1656/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án "Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 1656/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/09/2022
Ngày có hiệu lực 09/09/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trần Tuệ Hiền
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1656/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 09 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ, CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 66/2022/NĐ-CP ngày 11/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế;

Căn cứ Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kết luận số 361-KL/TU ngày 25 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 45/TTr-SCT ngày 25 tháng 8 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Trung tâm CNTT&TT;
- LĐVP, P.TH;
- Lưu: VT, (Quế-29.8).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ, CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1656/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh Bình Phước)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

Khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN) là cấu phần quan trọng chiến lược trong phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Phước. Vì vậy, phát triển KCN, KKT, CCN là chủ trương lớn trong giai đoạn vừa qua. Tỉnh Bình Phước quy hoạch 13 KCN với tổng diện tích 6.061 ha; quy hoạch 40 CCN với tổng diện tích 1.600,56 ha. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã thành lập KKT với mục tiêu tận dụng và phát huy lợi thế của cửa khẩu Hoa Lư và thị trường Campuchia.

Việc hình thành và đưa vào hoạt động các KCN, KKT, CCN đã làm thay đổi diện mạo hoạt động công nghiệp của tỉnh, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Thu hút các ngành nghề phục vụ sản xuất có công nghệ tiên tiến, giải quyết rất nhiều việc làm cho lao động địa phương trong và ngoài tỉnh, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển các KCN, KKT, CCN trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: các KCN, KKT được quy hoạch chưa gắn kết với quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân; một số KCN có diện tích lớn nên tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, thời gian triển khai kéo dài dẫn đến tỷ lệ lấp đầy thấp; chất lượng thu hút đầu tư chưa cao, thu hút nhiều ngành nghề với suất đầu tư thấp, gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích sử dụng đất lớn, thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu; nguồn lao động còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Do đó, nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế trong việc phát triển các KCN, KKT, CCN thời gian qua. Đồng thời, để định hướng cho phát triển KCN, KKT, CCN tích hợp vào quy hoạch tỉnh; hoạch định không gian phát triển hợp lý, đồng bộ, tiết kiệm đất đai và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực như đất đai, nguyên nhiên vật liệu, lao động, vốn, các nguồn tài nguyên khác; bảo đảm an toàn về môi trường sinh thái. Là cơ sở để định hướng lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng KCN, KKT, CCN đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm; thì việc xây dựng Đề án phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Cụm công nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.

II. Căn cứ pháp lý xây dựng đề án

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[...]