Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 144/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (ngoài các khu vực quy hoạch khoáng sản chung cả nước đã được công bố) do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 144/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/01/2011
Ngày có hiệu lực 10/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Đinh Văn Thu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 10 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 (NGOÀI CÁC KHU VỰC QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN CHUNG CẢ NƯỚC ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ)

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 và Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Khoáng sản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 187/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1109/TTr-SCT ngày 27/12/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (ngoài các khu vực quy hoạch khoáng sản chung cả nước đã được công bố), bao gồm 6 nhóm khoáng sản: than đá, titan, thiếc - wolfram, quặng sắt, vàng và nước khoáng, vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm chỉ đạo

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và của ngành công nghiệp Việt Nam; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội và các quy hoạch khác của tỉnh.

- Đảm bảo khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Mục tiêu của quy hoạch

- Phản ánh tổng thể về nguồn lực tài nguyên khoáng sản hiện có của tỉnh; định hướng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương các cấp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các cấp theo quy hoạch, kế hoạch; chủ động kiểm soát, phát triển hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm; bảo vệ môi trường sinh thái.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến khoáng sản; đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu chung của cả nước.

3. Một số định hướng, giải pháp quy hoạch để phát triển bền vững

- Khai thác khoáng sản phải gắn với xây dựng nhà máy chế biến sâu tại địa phương, sản xuất ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo về môi trường. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy hiện đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tận thu các nguồn tài nguyên khoáng sản bị vùi lấp trong phạm vi các dự án đã được cấp phép đầu tư, đang triển khai thực hiện.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, không để tình trạng hoạt động khai thác trái phép xảy ra. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình vận hành sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đề ra trong dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

- Khuyến khích đầu tư, sử dụng công nghệ tiên tiến, đồng bộ, công nghệ sạch ít hoặc không tạo ra chất thải ô nhiễm. Gắn việc khai thác, chế biến với khâu xử lý triệt để môi trường, hoàn thổ và khôi phục môi trường trong khai thác mỏ.

- Tăng cường trách nhiệm của nhà đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản có nghĩa vụ đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, trường học, bệnh viện, nhà trẻ...) và có trách nhiệm trong việc cải thiện đời sống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng mỏ; ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương; tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quy hoạch than đá (phụ lục số 1):

- Quy hoạch khai thác đến hết năm 2012: Gồm các mỏ được UBND tỉnh cấp phép, đang khai thác tại khu vực Ngọc Kinh và Sườn Giữa. Không gia hạn thêm đối với các mỏ này sau năm 2012.

- Quy hoạch khai thác đến năm 2015: Mỏ than Sườn Giữa (13 khoảnh), mỏ than Ngọc Kinh (3 khoảnh) với tổng diện tích là 880,7 ha.

- Quy hoạch khai thác từ năm 2016 đến năm 2025: Khu vực Thạnh Mỹ và khu vực Quế Trung với tổng diện tích là 763,12 ha.

- Quy hoạch thăm dò từ 2016 đến 2025 (sâu dưới mức 200 mét) gồm: Mỏ than Sườn Giữa (2.343,0 ha) và mỏ Ngọc Kinh (850,0 ha).

- Quy hoạch tài nguyên dự trữ (nằm trong rừng phòng hộ): 3.106 ha, gồm: Khu vực: An Điềm (795,0 ha), Bến Hiên (215,0 ha), Đại Thạnh (2.096,0 ha).

- Hình thức khai thác: Bằng phương pháp hầm lò nhằm hạn chế thiệt hại về rừng và môi trường đất mặt.

[...]