Quyết định 55/2008/QĐ-BCT về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 55/2008/QĐ-BCT
Ngày ban hành 30/12/2008
Ngày có hiệu lực 13/02/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 55/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG  

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
Căn cứ Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức cá nhân tham gia lập quy hoạch phát triển công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VPCP;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Bộ Công Thương: các Vụ, Cục CNĐP;
- Lưu VT, KH

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp theo ngành, lĩnh vực và theo vùng lãnh thổ.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý.

3. Quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quy hoạch phát triển công nghiệp là hệ thống các mục tiêu, định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách về phát triển ngành công nghiệp trong từng thời kỳ nhất định, nhằm phát triển, phân bố ngành công nghiệp hợp lý trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên của đất nước.

2. Quản lý công tác quy hoạch phát triển công nghiệp là toàn bộ hoạt động bao gồm: lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện, phối hợp thực hiện, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 3. Các loại quy hoạch phát triển công nghiệp

Quy hoạch phát triển công nghiệp gồm:

1. Theo ngành, lĩnh vực công nghiệp (sau đây gọi chung là quy hoạch ngành):

a) Quy hoạch tổng thể phát triển các chuyên ngành công nghiệp;

b) Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp.

[...]