Quyết định 1388/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đào tạo thí điểm cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1388/QĐ-TTg
Ngày ban hành 09/08/2010
Ngày có hiệu lực 09/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1388/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO THÍ ĐIỂM CÁN BỘ QUÂN SỰ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC NGÀNH QUÂN SỰ CƠ SỞ  

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thi hành Luật Dân quân tự vệ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo thí điểm cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở (sau đây gọi tắt là Đề án đào tạo thí điểm) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết của đề án

a) Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-TW; Chỉ thị số 34/CT-BQP ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Trong những năm qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu, địa phương trên cả nước tuyển chọn, cử đi đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã trên 14.000 đồng chí và đã tốt nghiệp trên 10.000 đồng chí, các đồng chí cán bộ quân sự cấp xã, sau khi ra trường trở về địa phương công tác đã có sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp, tác phong công tác quân sự cơ sở; thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; quá trình công tác nhiều đồng chí đã trưởng thành, đảm nhiệm các chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ quân sự cấp xã nói riêng, cần phải được đào tạo trình độ chuyên môn cao hơn mới đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

b) Ngày 23 tháng 11 năm 2009, Quốc hội khóa XII ban hành Luật Dân quân tự vệ tại khoản 1 Điều 32 của Luật đã nêu Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở trở lên. Để công tác đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đạt yêu cầu của Luật và có kế hoạch, lộ trình cụ thể, đáp ứng được tiêu chí cán bộ công chức cơ sở; bảo đảm khi cán bộ có nhu cầu đào tạo trình độ cao hơn và có tính liên thông, liên tục với chương trình Trung cấp chuyên nghiệp, ngành quân sự cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 73/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2008.

c) Để có cơ sở thực tiễn xây dựng chương trình giáo dục cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở thể hiện mục tiêu giáo dục cao đẳng, đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục cao đẳng, đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học, cao đẳng; bảo đảm yêu cầu liên thông với chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.   

d) Để có cơ sở thực tiễn rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng quy mô đào tạo Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành quân sự cơ sở, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quân sự, giáo dục quốc phòng, phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng vũ trang ở cấp xã trong giai đoạn cách mạng mới, có khả năng phát triển lên các cương vị cao hơn của cấp ủy và chính quyền ở địa phương, từng bước góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.

đ) Trước sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc đào tạo cán bộ chính quyền cơ sở nói chung và cán bộ quân sự cơ sở nói riêng có trình độ cao đẳng, đại học là cần thiết. Hiện nay, tất cả các ngành chuyên môn đều đã có chương trình đào tạo trình độ đại học, riêng ngành quân sự cơ sở chưa có chương trình này. Vì vậy, việc Bộ Quốc phòng tổ chức đào tạo thí điểm cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, là rất cần thiết và kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý quốc phòng của chính quyền cơ sở.

2. Mục đích của Đề án

Tổ chức thí điểm trước một bước đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở nhằm trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ chuyên môn tương đương sỹ quan dự bị cấp phân đội; có kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thông qua đào tạo thí điểm để rút kinh nghiệm và hoàn thiện, bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, giáo trình, tài liệu, quy chế tuyển sinh, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, công tác bảo đảm đào tạo, làm cơ sở tổ chức đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở trên phạm vi toàn quốc.

3. Yêu cầu của Đề án

- Thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục và Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;

- Đào tạo thí điểm tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế của đất nước; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ ngành quân sự cơ sở;

- Trên cơ sở kết quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, để xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở phù hợp với đặc điểm đào tạo cán bộ quân sự cấp xã;

- Định hướng xây dựng nội dung chương trình, biên soạn giáo trình, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, nhiệm vụ và trách nhiệm các cấp, các ngành các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo thí điểm;

- Bảo đảm sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng từ Trung ương đến cơ sở trong việc thực hiện Đề án đào tạo thí điểm.

II. CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết số 17/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”;

- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới;

- Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05 tháng 10 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI); Kết luận số 41-KL/TW ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên trong tình hình mới;

- Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

[...]