Quyết định 03/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/01/2004
Ngày có hiệu lực 29/01/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 03/2004/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2004 PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh ngày 29 tháng 4 năm 2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn";
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) với nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG QUY HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung đến năm 2010

Xây dựng, chuẩn hóa và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

b) Mục tiêu cụ thể

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Đến hết năm 2005, phấn đấu đạt:

+ 70 - 80% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành;

+ 80% công chức cấp xã ở vùng đồng bằng và đô thị đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên;

+ 100% cán bộ chủ chốt và các chức danh chuyên môn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, hải đảo được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ đạt trình độ sơ cấp; lựa chọn để quy hoạch đào tạo trình độ trung cấp cho 25% đội ngũ cán bộ, công chức này.

- Từ năm 2006 đến năm 2010, trên cơ sở kết quả đạt được và kinh nghiệm của giai đoạn này, phấn đấu nâng trình độ cán bộ, công chức cấp xã giữ các chức danh được đào tạo đạt trình độ trung cấp trở lên; đạt mục tiêu trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt; bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu.

2. Yêu cầu

a) Từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã.

b) Bảo đảm tính khả thi.

c) Bảo đảm tính đồng bộ và tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

d) Bảo đảm từng bước chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

3. Đối tượng

Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng áp dụng cho các đối tượng sau đây:

a) Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ (sau đây gọi chung là cán bộ chuyên trách cấp xã) trong hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm:

- Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Bí thư, Phó Bí thư chi bộ (đối với những xã chưa thành lập đảng bộ);

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

[...]