Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 06/2008/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 13/02/2008
Ngày có hiệu lực 06/03/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bành Tiến Long
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 06/2008/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và h­ướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại văn bản số 2094/BLĐTBXH-TCDN ngày 14 tháng 6 năm 2007;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 49/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Uỷ ban VHGD TNTN&NĐ của QH; (để báo cáo)
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục; (để báo cáo)
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước ; (để thực hiện)
- Các Bộ có trường ĐH, CĐ; (để thực hiện)
- Các UBND tỉnh, TP trực thuộc TW
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, PC, Vụ ĐH&SĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bành Tiến Long

 

QUY ĐỊNH

ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC

Ban hành kèm theo Quyết định số 06 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học, bao gồm: điều kiện và thẩm quyền đào tạo liên thông; tuyển sinh, đào tạo liên thông; nhiệm vụ và quyền hạn của trường tổ chức đào tạo liên thông; nhiệm vụ và quyền  của người học; chế độ báo cáo và xử lý vi phạm.

2. Quy định này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng (sau đây gọi tắt là trường) được tổ chức đào tạo liên thông.

Điều 2. Đào tạo liên thông

Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác.

Điều 3. Mục đích

Quy định về đào tạo liên thông nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo và công nhận kết quả học tập, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học để quá trình đào tạo liên thông diễn ra thông suốt với chất lượng và hiệu quả cao.

Điều 4 . Đối tượng đào tạo liên thông

1. Những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng có nhu cầu học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.

a) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

b) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

2. Những người đã tốt nghiệp ở nước ngoài có văn bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc cao đẳng được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[...]