Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1364/QĐ-KTNN năm 2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành

Số hiệu 1364/QĐ-KTNN
Ngày ban hành 02/10/2020
Ngày có hiệu lực 02/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Kiểm toán Nhà nước
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Bộ máy hành chính

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1364/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông báo số 123-TB/BCS ngày 17 tháng 8 năm 2020 kết luận của Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước phiên họp ngày 14 tháng 8 năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý, thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Kiểm toán nhà nước; vận động tài trợ nước ngoài, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án được tài trợ nước ngoài của Kiểm toán nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trong công tác quản lý và thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nhà nước:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề án, chiến lược hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước kế hoạch hợp tác quốc tế và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong từng thời kỳ với Kiểm toán nhà nước (cơ quan kiểm toán tối cao) các nước, với Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Châu Á (ASOSAI), Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEANSAI) và các tổ chức quốc tế khác có liên quan;

c) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện đề án, chiến lược hội nhập quốc tế và kế hoạch hợp tác quốc tế đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt;

d) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước chuẩn bị ý kiến tham gia với Quốc hội, Chính phủ trong đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực kiểm toán nhà nước; tham gia đoàn đàm phán của Kiểm toán nhà nước hoặc đại diện chính thức của Kiểm toán nhà nước khi được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền để tham gia đoàn đàm phán của Quốc hội, Chính phủ với các đối tác nước ngoài trên cơ sở phương án đàm phán đã được duyệt;

đ) Tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đàm phán, soạn thảo, ký kết các thỏa thuận quốc tế và các văn bản hợp tác khác của Kiểm toán nhà nước với Kiểm toán nhà nước các nước và các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện, kiến nghị tiếp tục hay chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế và các văn bản hợp tác khác của Kiểm toán nhà nước với đối tác nước ngoài;

g) Chủ trì tổ chức thu thập, cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề liên quan phục vụ công tác lãnh đạo, phát triển năng lực chuyên môn của Kiểm toán nhà nước; định kỳ phát hành và quản lý Bản tin quốc tế của Kiểm toán nhà nước;

h) Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất, tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc phổ biến kiến thức và áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán vào thực tiễn hoạt động của ngành;

i) Tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước đối với các tổ chức quốc tế INTOSAI, ASOSAI và ASEANSAI;

k) Tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý việc Kiểm toán nhà nước tham gia, thực hiện các hoạt động chuyên môn của các hiệp hội và tổ chức quốc tế; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập các nhóm công tác của Kiểm toán nhà nước tham gia các hoạt động chuyên môn của các hiệp hội và tổ chức quốc tế; tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quy định phạm vi trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các nhóm công tác và các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước;

l) Đại diện cho Kiểm toán nhà nước quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc xây dựng các kế hoạch hợp tác quốc tế của Kiểm toán nhà nước khi được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền.

2. Trong tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Kiểm toán nhà nước:

a) Chủ trì xây dựng Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại của Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành;

b) Chủ trì, xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm của Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch đối ngoại sau khi được phê duyệt;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các buổi tiếp và làm việc của Kiểm toán nhà nước với đối tác nước ngoài; chuẩn bị và cung cấp tài liệu, văn bản cần thiết về các vấn đề liên quan đến nội dung làm việc, trao đổi của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các đơn vị với đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác với Kiểm toán nhà nước;

d) Giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của Kiểm toán nhà nước; tổ chức thực hiện các thủ tục lễ tân trong các hoạt động đối ngoại của Kiểm toán nhà nước;

[...]