Quyết định 1284/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025

Số hiệu 1284/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/05/2014
Ngày có hiệu lực 07/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Phan Thị Mỹ Thanh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1284/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về việc phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 04/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 9762/QĐ-BCT ngày 20/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 778/TTr-SCT ngày 31/3/2014 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Thu hút mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế nước ngoài để phát triển toàn diện hoạt động thương mại nội địa và thương mại quốc tế.

b) Phát triển thương mại theo hướng đa dạng về loại hình thương nhân, tổ chức và phương thức kinh doanh. Thúc đẩy phát triển nhanh một số doanh nghiệp thương mại lớn có hệ thống phân phối hiện đại, làm nòng cốt trong việc tổ chức thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng.

c) Phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế, kết hợp giữa yêu cầu phát triển các doanh nghiệp phân phối trong nước có quy mô lớn với yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh tham gia thị trường.

d) Phát triển hài hòa, đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện các hoạt động thương mại, các khâu trong quá trình phát triển thương mại.

đ) Khuyến khích tích tụ và tập trung nguồn lực của doanh nghiệp để tạo sự đột phá trong phát triển thương mại; tạo động lực cho các nhà phân phối tham gia ổn định giá cả thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

e) Phát triển ngành thương mại trên cơ sở nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại trên địa bàn, nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động, xây dựng ngành thương mại văn minh, hiện đại.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Phát triển mạnh thương mại nội địa đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định; chú trọng phát triển hệ thống phân phối nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và hàng tiêu dùng cuối cùng; xây dựng và phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phù hợp trên cơ sở tiêu chuẩn hóa, tổ chức hóa, tránh lãng phí đầu tư; kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn: Đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng Nai sẽ trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa khu vực tam giác Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên.

- Phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh; góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ở địa bàn nông thôn, trên cơ sở đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế thành công ở địa bàn nông thôn.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu; phát triển các dịch vụ hỗ trợ buôn bán quốc tế, trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng, liên vùng. Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm đầu mối giao lưu thương mại, dịch vụ logistics xuất nhập khẩu hàng hóa trong nội địa ở khu vực Đông Nam Bộ phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần sau cảng của các cụm cảng Đồng Nai, cụm cảng Cái Mép - Vũng Tàu và cụm cảng Sài Gòn ở khu vực Đông Nam Bộ phía Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng đội ngũ thương nhân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, tham gia tích cực vào quá trình phát triển nhanh thị trường trong và ngoài nước. Phát triển nhanh các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối lớn có phạm vi hoạt động rộng với nhiều phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng phù hợp.

b) Mục tiêu cụ thể

[...]