Quyết định 3097/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3097/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/09/2013
Ngày có hiệu lực 04/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Đỗ Hữu Lâm
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3097/QĐ-UBND

Long An, ngày 04 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ văn bản số 4470/UBND-CN ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Long An về việc quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Long An;

Căn cứ Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại tờ trình số 1260/TTr-SCT ngày 27 tháng 8 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại tỉnh Long An phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; quy hoạch phát triển thương mại cả nước; phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng để thương mại trở thành ngành kinh tế quan trọng; đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Phát triển ngành thương mại theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại, các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ, vừa phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, vừa kế thừa, cải tạo các loại hình truyền thống.

- Khuyến khích và thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội, kinh tế nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại.

- Phát triển thương mại phù hợp với trình độ sản xuất của các ngành kinh tế coi trọng cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến yêu cầu nâng cao năng lực và vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại của địa phương, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tạo ra cơ hội cho các chủ thể kinh doanh phát triển linh hoạt, năng động.

2. Mục tiêu phát triển thương mại

- Xây dựng ngành thương mại phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại; tăng tỷ trọng trọng cơ cấu GDP của tỉnh. Phát huy vai trò của thương mại trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và tăng trưởng kinh tế.

- Đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; mở rộng thị trường và đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, phát triển các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn; tăng cường xuất khẩu dịch vụ.

- Tích cực thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

- Phát triển thị trường nội tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng và cả nước với thị trường nước ngoài; gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng phát triển

a) Định hướng phát triển không gian thương mại

- Thị trường đô thị

Phát triển nhanh hệ thống phân phối hiện đại gồm: các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi (trước mắt, tập trung tại thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường, thị trấn Bến Lức, Đức Hòa...) thuộc nhiều loại hình phân phối với quy mô thích hợp từng bước tiến tới quy mô lớn.

Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối phát triển hệ thống phân phối theo “chuỗi” (chuỗi trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi). Kết hợp hài hòa giữa loại hình thương mại truyền thống với thương mại hiện đại trên địa bàn đô thị. Tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà phân phối của các tỉnh, thành phố khác (đặc biệt liên kết với các doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh) để tăng cường tiềm lực, mở rộng mạng lưới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đẩy mạnh phát triển loại hình dịch vụ logicstics với sự hình thành các kho bán buôn, trung tâm phân phối hàng hóa có trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại làm đầu mối phát luồng cho mạng lưới bán lẻ ở thành phố Tân An và các vùng phụ cận...

Nâng cấp cải tạo các chợ ở thành phố Tân An thành một số chợ trung tâm, sắp xếp lại các chợ phường, liên phường, từng bước chuyển hóa một số chợ thành siêu thị.

[...]