Nghị quyết 06/2015/NQ-HĐND thông qua đề án Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 06/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 24/07/2015
Ngày có hiệu lực 03/08/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2015/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 7 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3473/TTr-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua đề án Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đề án “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Quy hoạch phát triển thương mại phù hợp với các định hướng phát triển thương mại của cả nước, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của tỉnh, trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, đảm bảo phát triển thương mại nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.

- Phát triển các loại hình thương mại đồng bộ, phù hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của dân cư; gắn với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế ra thị trường khu vực và thế giới.

- Phát triển thương mại theo “hướng văn minh, hiện đại, xanh và bền vững”, gắn liền với phát triển du lịch và dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung: Phát triển thương mại trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương, giá trị văn hóa trong thương mại truyền thống, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và tối ưu hóa phương thức lưu chuyển, giao dịch hàng hóa; đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, chất lượng hàng hóa và ổn định thị trường; tăng khả năng kết nối giữa hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm địa phương, đưa hàng hóa sản xuất tại địa phương vào các kênh phân phối trên thị trường; phát triển thương mại gắn liền phát triển các ngành dịch vụ du lịch, tài chính, vận tải và động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế địa phương.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đóng góp của ngành thương mại vào tổng sản phẩm của tỉnh đạt tỷ trọng 9 -11% vào năm 2020, 12 - 15% vào năm 2025 và 13 - 18% vào năm 2030. GDP thương mại vào năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt đạt khoảng 7.500 - 8.500 tỷ đồng, 13.100 - 17.500 tỷ đồng và 23.000 - 35.000 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt là 75 - 81 nghìn tỷ đồng, 180 - 200 nghìn tỷ đồng và 415 - 460 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá đến năm 2020 đạt từ 56 - 61 nghìn tỷ đồng (tăng 19 - 21%/năm), đến năm 2025 đạt từ 126 - 140 nghìn tỷ đồng (tăng 17 - 19%/năm) và đến năm 2030 đạt từ 270 - 300 nghìn tỷ đồng (tăng 16 - 18%/năm).

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,25 tỷ USD, năm 2025 đạt 2,6 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 5,2 tỷ USD.

- Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại đạt 20% vào năm 2020, đạt 35% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030.

- Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị: Đến năm 2020, toàn tỉnh có 01 trung tâm Hội chợ, triển lãm thương mại với quy mô trung tâm hội chợ triển lãm nhóm B; có 8 trung tâm thương mại (3 trung tâm thương mại hạng 2; 5 trung tâm thương mại hạng 3) và 14 siêu thị (2 siêu thị hạng 1; 8 siêu thị hạng 2; 4 siêu thị hạng 3). Đến năm 2030, toàn tỉnh có 41 trung tâm thương mại (8 trung tâm thương mại hạng 2; 33 trung tâm thương mại hạng 3) và 26 siêu thị (6 siêu thị hạng 1; 16 siêu thị hạng 2; 4 siêu thị hạng 3).

- Mạng lưới chợ: Đến năm 2020, toàn tỉnh có 159 chợ, trong đó hạng 1 có 8 chợ (có 02 chợ đầu mối nông sản), hạng 2 có 26 chợ (có 04 chợ đầu mối nông thủy sản), hạng 3 có 125 chợ (có 01 chợ biên giới). Giai đoạn từ năm 2025 - 2030, toàn tỉnh có 173 chợ trong đó hạng 1 có 11 chợ (có 04 chợ đầu mối nông thủy sản), hạng 2 có 28 chợ (có 06 chợ đầu mối mối nông thủy sản), hạng 3 có 134 chợ (có 4 chợ biên giới).

3. Định hướng phát triển thương mại được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

4. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030

a) Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ

- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 159 chợ các loại, trong đó: thành phố Huế có 25 chợ; huyện Phong Điền có 19 chợ; huyện Quảng Điền có 20 chợ; thị xã Hương Trà có 18 chợ; thị xã Hương Thuỷ có 13 chợ; huyện Phú Vang có 38 chợ; huyện Phú Lộc có 19 chợ; huyện Nam Đông có 04 chợ; huyện A Lưới có 03 chợ.

[...]