BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11116/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 10
năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM
PHÁP LUẬT GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ CÔNG THƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Pháp lệnh pháp điển hệ thống
quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP
ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 13/2014/TT-BTP
ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp
điển hệ thống quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện
công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật giữa các đơn vị thuộc Bộ Công
Thương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Thắng Hải
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIỮA
CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định 11116/QĐ-BCT ngày 15 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định những nguyên
tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp giữa các
đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
2. Quy chế này được áp dụng đối với
các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm nguyên tắc kịp thời, chủ động,
thường xuyên, tuân thủ đúng quy trình pháp điển hệ thống
quy phạm pháp luật và thời gian thực hiện, hoàn thành đề mục pháp điển theo lộ
trình xây dựng Bộ pháp điển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương
hành chính trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng
đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.
3. Công việc liên
quan đến công tác pháp điển thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của
đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý; các đơn vị khác
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp kịp
thời khi đơn vị chủ trì yêu cầu.
Điều 3. Nội dung phối hợp
Các hoạt động phối hợp trong công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật,
bao gồm:
1. Lập Đề nghị bổ sung đề mục mới (nếu
có).
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện pháp
điển đối với mỗi đề mục.
3. Thu thập văn bản sử dụng để pháp
điển theo đề mục và xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm
pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế.
4. Thực hiện pháp điển theo đề mục.
5. Tổng hợp, xây
dựng Hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.
6. Kiểm tra kết quả pháp điển.
7. Thẩm định kết quả pháp điển.
8. Pháp điển quy phạm pháp luật mới
ban hành.
9. Phối hợp thực
hiện các công việc khác có liên quan đến công tác pháp điển.
Điều 4. Hình thức
phối hợp
Việc phối hợp được thực hiện theo các
hình thức sau:
1. Lấy ý kiến bằng văn bản.
2. Tổ chức cuộc họp, trao đổi trực tiếp.
3. Cử cán bộ, công chức, viên chức
tham gia thực hiện công tác pháp điển.
4. Trao đổi qua thư điện tử, điện thoại
và các hình thức khác.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp
Khi nhận được đề nghị phối hợp của
các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện
công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
có trách nhiệm tổ chức pháp điển quy
phạm pháp luật trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình bảo đảm chất lượng, hiệu
quả, đúng tiến độ và theo quy định.
Chương II
PHỐI HỢP THỰC HIỆN
CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN
Điều 6. Lập Đề nghị bổ sung đề mục
mới
Vụ Pháp chế có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập Đề nghị bổ sung đề mục đúng quy định, cụ thể:
1. Vụ Pháp chế có các nhiệm vụ, quyền
hạn sau đây:
a) Yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc
Bộ đề xuất, xác định văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm
quan hệ xã hội nhất định để xác định tên đề mục và chủ đề để sắp xếp đề mục;
b) Yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc
Bộ đề xuất văn bản dự kiến đưa vào đề mục;
c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan để thống nhất nội dung Đề nghị bổ sung đề
mục.
2. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ có
trách nhiệm phối hợp và thực hiện theo yêu cầu của Vụ Pháp chế để bảo đảm việc bổ sung đề mục mới đúng quy định.
Trường hợp, đơn vị thuộc Bộ thấy có
quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị mình mà
chưa thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển thì phải đề xuất kịp thời với Vụ
Pháp chế để thực hiện đề xuất bổ sung đề mục theo quy định.
Điều 7. Xây dựng kế hoạch thực
hiện pháp điển đối với mỗi đề mục
1. Căn cứ Kế hoạch của Bộ Công Thương
về việc phân công đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục, đơn
vị được phân công chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện pháp
điển đối với đề mục đó. Cụ thể như sau:
a) Đơn vị được phân công chủ trì thực
hiện pháp điển theo đề mục.
- Dự thảo văn bản trình Lãnh đạo Bộ
ký đề nghị các cơ quan thực hiện pháp điển: xác định các
văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền pháp điển của họ để sử dụng pháp điển
vào đề mục do đơn vị chủ trì; thông báo kế hoạch xây dựng
văn bản khác sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ văn bản đó (nếu có).
- Xây dựng dự thảo Kế hoạch pháp điển theo đề mục.
Dự thảo Kế hoạch pháp điển đề mục bao gồm các nội dung sau: Mục đích, yêu cầu thực hiện pháp điển;
Nội dung pháp điển (gồm Danh mục văn bản thực hiện pháp điển, trình tự và thời gian thực hiện pháp điển đề mục,
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện pháp điển); Tổ chức thực hiện.
- Lấy ý kiến góp ý của các cơ quan,
đơn vị liên quan đối với dự thảo Kế hoạch.
- Lấy ý kiến góp ý của Vụ Pháp chế
trước khi trình Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị ký ban hành Kế
hoạch.
b) Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn
xây dựng Kế hoạch và thực hiện góp ý đối với dự thảo Kế
hoạch pháp điển theo đề mục của các đơn vị.
2. Đối với việc
xây dựng Kế hoạch pháp điển theo đề mục do các cơ quan, đơn vị khác chủ trì thực
hiện
Đơn vị nhận được đề nghị phối hợp xây dựng Kế hoạch có trách nhiệm
rà soát, đề xuất bổ sung (nếu có) các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách
nhiệm pháp điển của đơn vị mình, xác định thời hạn hoàn
thành thực hiện pháp điển phù hợp và các yêu cầu khác của cơ quan, đơn vị chủ trì bảo đảm việc xây dựng Kế hoạch khoa học, hiệu quả,
đúng quy định.
Điều 8. Thu thập
văn bản sử dụng để pháp điển theo đề mục
1. Đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm
pháp điển đối với văn bản nào thì có trách nhiệm thu thập văn bản đó và văn bản
có nội dung liên quan bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đúng Kế hoạch thực
hiện pháp điển đối với đề mục đó.
2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm phối hợp
với các đơn vị trong việc thu thập văn bản nêu tại Khoản 1 Điều này.
Điều 9. Thực hiện
pháp điển theo đề mục
1. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm
thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch pháp điển theo đề mục. Trong quá trình
thực hiện pháp điển, nếu có công việc mà các đơn vị không thống nhất phương thức
triển khai thực hiện thì có trách nhiệm phối hợp với Vụ
Pháp chế để thống nhất thực hiện.
a) Đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển
theo đề mục có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển theo quy định và gửi
kết quả cho cơ quan, đơn vị phối hợp theo Kế hoạch (nếu có).
b) Đơn vị có trách nhiệm phối hợp theo Kế hoạch có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo sự phân công
trong Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
2. Đối với đề mục do cơ quan khác chủ
trì thực hiện pháp điển thì đơn vị phối hợp có trách nhiệm gửi kết quả pháp điển
của đơn vị mình đến Vụ Pháp chế để thực hiện kiểm tra, có ý kiến theo quy định
trước khi gửi cho cơ quan chủ trì theo quy định.
Điều 10. Tổng hợp, xây dựng Hồ
sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp thẩm định
1. Tổng hợp kết quả pháp điển
a) Đơn vị phối hợp thực hiện pháp điển
có trách nhiệm gửi kết quả pháp điển và Danh mục các văn bản
đã được thu thập đến đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển để
tổng hợp. Kết quả pháp điển và Danh mục các văn bản đã được
thu thập được gửi bằng văn bản giấy và bản điện tử.
b) Đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển
theo đề mục có trách nhiệm tổng hợp kết quả pháp điển; lập
Danh mục các văn bản đã được thu thập để pháp điển.
2. Xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển gửi
thẩm định
Đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển
theo đề mục có trách nhiệm xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 4 năm
2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy
phạm pháp luật (sau đây gọi là Thông tư số 13/2014/TT-BTP).
Điều 11. Kiểm
tra kết quả pháp điển
1. Đơn vị chủ
trì thực hiện pháp điển đề mục có trách nhiệm hoàn thiện Hồ
sơ kết quả pháp điển theo quy định và gửi Vụ Pháp chế để kiểm tra kết quả pháp
điển và Hồ sơ kết quả pháp điển; có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế
trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra và
hoàn thiện kết quả pháp điển, Hồ sơ kết quả pháp điển đó.
2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm kiểm
tra kết quả pháp điển và Hồ sơ kết quả pháp điển bảo đảm
chất lượng, hiệu quả.
Điều 12. Thẩm định
kết quả pháp điển
1. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Vụ
Pháp chế, đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển đề mục có trách
nhiệm hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển trình Lãnh đạo Bộ
ký xác thực, đóng dấu và gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 13/2014/TT-BTP.
2. Đơn vị chủ
trì thực hiện pháp điển đề mục có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
Vụ Pháp chế nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện kết quả
pháp điển, Hồ sơ kết quả pháp điển theo quy định.
Điều 13. Pháp điển quy phạm
pháp luật mới ban hành
Đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển đề
mục có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ,
các Bộ, ngành liên quan pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định
tại Điều 11 Thông tư số 13/2014/TT-BTP.
Điều 14. Thực hiện báo cáo, kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện công tác pháp điển
1. Trên cơ sở các kế hoạch của Bộ
Công Thương triển khai công tác pháp điển, Vụ Pháp chế thường xuyên theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác pháp điển của các đơn vị có trách nhiệm
thực hiện pháp điển; yêu cầu các đơn vị thực hiện pháp điển báo cáo tình hình tổ
chức triển khai, thực hiện và kết quả pháp điển của đơn vị; định kỳ báo cáo
Lãnh đạo Bộ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
2. Thủ trưởng đơn vị được giao thực
hiện pháp điển có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác pháp điển tại
đơn vị mình và báo cáo Vụ Pháp chế theo yêu cầu.
Điều 15. Phối hợp
thực hiện các công việc khác có liên quan đến công tác pháp điển
Đối với các công việc khác có liên
quan đến công tác pháp điển, các đơn vị xác định thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được thẩm quyền,
trách nhiệm của đơn vị trong việc triển khai thực hiện
công việc thì các đơn vị hoặc Vụ Pháp chế báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 16. Tổ chức
thực hiện
1. Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện và
phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế trong quá trình thực hiện Quy chế này.
2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn,
đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh
về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng quyết định./.