Thông tư 13/2014/TT-BTP hướng dẫn thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 13/2014/TT-BTP
Ngày ban hành 29/04/2014
Ngày có hiệu lực 15/06/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2014/TT-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Căn cứ Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 4 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 4 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh pháp điển) và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Trách nhiệm của tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện pháp điển

Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là tổ chức pháp chế) có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp điển thuộc thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ như sau:

1. Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập Đề nghị xây dựng đề mục;

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành kế hoạch chung để thực hiện pháp điển và phân công đơn vị thực hiện; theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch;

3. Tổ chức kiểm tra kết quả pháp điển tại Bộ, cơ quan ngang Bộ;

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ký hợp đồng và quản lý đội ngũ cộng tác viên thực hiện pháp điển.

Điều 3. Thẩm quyền thực hiện pháp điển

Việc xác định cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đó hoặc có sự chuyển giao chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sang cơ quan khác thì các cơ quan này phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất cơ quan thực hiện pháp điển theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển.

Chương II

PHÁP ĐIỂN THEO ĐỀ MỤC

Điều 4. Lập Đề nghị xây dựng đề mục

Tổ chức pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập Đề nghị xây dựng đề mục theo Điều 7 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Xác định văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định để xác định tên đề mục và chủ đề để sắp xếp đề mục;

2. Lập Danh mục văn bản dự kiến đưa vào đề mục được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư này;

3. Trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để gửi lấy ý kiến của cơ quan liên quan về Đề nghị xây dựng đề mục;

4. Hoàn thiện Đề nghị xây dựng đề mục trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.

[...]