Nghị quyết 20/NQ-HĐND năm 2023 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Số hiệu 20/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/07/2023
Ngày có hiệu lực 14/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Thái Bảo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 12 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa X,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề quan trọng được cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đặt câu hỏi chất vấn rõ cả về nội dung và đối tượng chất vấn, đồng thời thực hiện quyền tranh luận trong quá trình để làm rõ vấn đề chất vấn. Việc trả lời chất vấn của người được chất vấn đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhất là những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp, cam kết của UBND tỉnh, các sở, ngành đã trả lời đối với các nội dung đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, cụ thể như sau:

1. Về thực trạng và những giải pháp để tăng cường công tác phát hiện, kiểm soát tình trạng sử dụng trái phép các chất kích thích, gây nghiện

1.1. Đánh giá

1.1.1. Thực trạng

Tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã phát hiện 421 vụ 822 đối tượng phạm tội về ma túy, nhiều hơn 123 vụ và 151 đối tượng so với cùng kỳ 2022. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tính đến ngày 14/6/2023 tổng số người nghiện trên địa bàn tỉnh là 3.401 người nghiện. Tình hình mua bán thuốc lá điện tử được giới thiệu bán công khai tại khu vực sinh hoạt, nơi ở, các cửa hàng trên địa bàn tỉnh (đặc biệt các cửa hàng gần trường học) và thông qua các trang mạng xã hội, Website thương mại điện tử ngày càng nhiều.

Mặc dù trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, “bóng cười”; các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; về công tác quản lý thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh nhưng tình hình sử dụng trái phép các chất kích thích, gây nghiện trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử tăng rất cao, cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo.

1.1.2. Nguyên nhân

Công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; về đặc điểm và hậu quả, tác hại của ma túy chưa được tăng cường; nhận thức của giới trẻ chưa đúng về những hệ lụy nghiêm trọng khi sử dụng ma túy tổng hợp, bóng cười, thuốc lá điện tử; công tác quản lý nhà nước, công tác thẩm định, cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa được chặt chẽ; công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần chưa được thường xuyên; còn tồn tại nhận thức công tác phát hiện, kiểm soát tình trạng sử dụng trái phép các chất kích thích, gây nghiện là trách nhiệm của ngành Công an mà chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội.

1.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để công tác quản lý, phát hiện, kiểm soát tình trạng sử dụng trái phép các chất kích thích gây nghiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đảm bảo các nội dung sau:

- Tổng rà soát, kiểm tra việc cấp phép, đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cửa hàng nhằm phát hiện việc kinh doanh các chất kích thích, gây nghiện (nếu có), từ đó làm rõ căn cứ cấp phép kinh doanh và trách nhiệm cá nhân, đơn vị trong việc cấp phép.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc điểm và hậu quả, tác hại của ma túy, “bóng cười”, các loại chất gây nghiện “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc... Tăng cường quản lý chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa, hạn chế việc phát sinh ma túy tổng hợp, ma túy đời mới, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên hiện nay.

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm. Quan tâm truy xuất nguồn gốc của các loại ma túy đời mới (thuốc lá điện tử, bóng cười, tinh dầu, ...) để có giải pháp xiết chặt nguồn cung cấp quyết liệt, hiệu quả. Thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nhà nước trong việc giấy phép hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện; trong cấp phép, quản lý xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh khí N2O, thuốc lá điện tử; các sản phẩm có chứa chất chất gây nghiện lưu hành trái phép trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp kiềm chế sự gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy; nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện nhằm phòng ngừa phạm tội, vi phạm pháp luật. Tổ chức tốt công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện nhằm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện hiệu quả.

2. Về giải quyết nhu cầu việc làm của người dân, nhu cầu nguồn lực phục vụ cho sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động

2.1. Đánh giá

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Nhu cầu nhân lực phục vụ cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến là 13.769 người (trong đó: Đại học, thạc sỹ, tiến sỹ: 5.803 người (tỷ lệ 42%); Cao đẳng, Trung cấp: 2.249 người (tỷ lệ 16%); sơ cấp và lao động phổ thông: 5.717 người (tỷ lệ 42%).

Do nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn và năng lực ngoại ngữ; đơn vị đào tạo ngành nghề lĩnh vực hàng không cần được cấp phép của cơ quan chuyên môn trước khi đào tạo và thi đạt chứng chỉ hành nghề tùy theo vị trí việc làm. Do đó nhân sự phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành theo quy định.

2.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

[...]