Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 18/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2012
Ngày có hiệu lực 18/12/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Võ Thành Hạo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 08 tháng 12 năm 2012

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các ngành chức năng, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về kết quả thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất nhận định như sau:

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 2011-2015, đây cũng là năm kinh tế - xã hội tỉnh nhà phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; suy giảm kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục; giá cả tăng, giảm bất thường, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh giá dừa trái và một số loại nông sản khác, dịch bệnh trên một số vật nuôi... đã tác động mạnh đến thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nên mặc dù gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 6,61%; các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm,... đều đạt kế hoạch và tăng so với năm 2011. Công tác giáo dục và đào tạo, y tế có chuyển biến; các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo được quan tâm thực hiện, an sinh xã hội được đảm bảo, đã góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Quốc phòng an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định; trật tự xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Trước khó khăn của người dân, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ kịp thời, tạo được sự đồng tình, tin tưởng trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả chủ yếu như trên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Tăng trưởng đạt thấp và chưa vững chắc, sức cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành kinh tế thấp. Một số chỉ tiêu chủ yếu như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển biến nhưng thực hiện chưa đạt theo kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nhà nước đạt thấp, ngành chăn nuôi gặp nhiều rủi ro; nhiều công trình chậm tiến độ, huy động vốn khu vực dân doanh gặp khó khăn... Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và sản xuất hiệu quả chưa cao. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp còn chậm; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của dự án. Việc khai thác trái phép cát lòng sông và ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, chưa xử lý, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả. Công tác xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đời sống chưa nhiều, chưa tạo ra sức lan toả lớn. Cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày; chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa có chuyển biến rõ nét. Tỷ suất sinh tăng cao; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế. Xuất khẩu lao động đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao, một số vùng có nguy cơ tái nghèo, lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề còn lớn, ý thức vượt khó đi lên thoát nghèo của một bộ phận dân cư chưa cao; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện trong dân, an ninh, trật tự vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gay gắt hơn; tình trạng vỡ nợ, hụi và tình hình công nhân đình công yêu cầu tăng lương, phụ cấp vẫn còn tái diễn.

Điều 2. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cân đối năng lực sản xuất của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đề ra mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh như sau:

1. Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu chủ yếu của năm 2013 là phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2013 tăng 7%; trong đó: Khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,69%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,17%; khu vực dịch vụ tăng 8,27%;

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 47,3%; khu vực II: 19,0%; khu vực III: 33,7%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.500.000 triệu đồng;

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.460.000 triệu đồng theo dự toán Trung ương giao và 1.533.000 triệu đồng theo dự toán địa phương phấn đấu;

- Tổng chi ngân sách địa phương 4.147.680 triệu đồng theo dự toán Trung ương giao và 4.220.680 triệu đồng theo dự toán địa phương phấn đấu;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 46%; tạo việc làm cho 23.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 500 người;

- Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,05%o;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9%;

- Đạt 24,04 giường bệnh/vạn dân; 5,88 bác sỹ/vạn dân;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 13,6%;

- Công nhận ít nhất 8 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hoá; 5 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới;

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%;

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82%; trong đó, hộ được sử dụng nước sạch 39%;

- Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 60% dân số, trong đó, bảo hiểm y tế tự nguyện ít nhất 15%;

- Kéo giảm tai nạn giao thông ít nhất 10% cả 03 mặt: Số vụ, số người chết, số người bị thương;

- Khám phá án hình sự đạt ít nhất 80%.

[...]