Nghị quyết số 84-CP về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 84-CP
Ngày ban hành 24/04/1970
Ngày có hiệu lực 09/05/1970
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1970 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ LƯƠNG THỰC VÀ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC (PHIÊN HỌP TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 03 THÁNG 03 NĂM 1970)

I. CHÍNH SÁCH LƯƠNG THỰC TRONG MẤY NĂM QUA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHÍNH SÁCH LƯƠNG THỰC TRONG THỜI GIAN TỚI

Lương thực là nhu cầu cơ bản nhất của đời sống và là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách, trong đó có chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực ban hành năm 1963, nhằm phát triển sản xuất, tăng cường quản lý lưu thông phân phối, hướng dẫn tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm lương thực.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, những chủ trương, chính sách và biện pháp của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề lương thực đã được bổ sung cho thích ứng với điều kiện cả nước có chiến tranh, đã góp phần duy trì sản xuất, bảo đảm nhu cầu chiến đấu và đời sống nhân dân, làm cho người đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu được yên tâm về đời sống của gia đình họ. Các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân đã cố gắng phấn đấu sản xuất để vừa bảo đảm lương thực cho bản thân, vừa làm nhiệm vụ đóng góp lương thực cho Nhà nước, góp phần vào những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách có nhiều thiếu sót, nội dung chính sách cũng có những nhược điểm: chưa khuyến khích đúng mức việc đẩy mạnh sản xuất lương thực; nghĩa vụ lương thực của hợp tác xã nông nghiệp không được ổn định; việc xác định mức huy động lương thực cho các hợp tác xã một số nơi làm không được sát, đúng; việc phân phối lương thực của hợp tác xã nông nghiệp chưa thể hiện được đầy đủ nguyên tắc phân phối theo lao động, nhiều nơi phân phối lại chưa được công bằng hợp lý; nguyên tắc tiết kiệm tiêu dùng lương thực chưa được chú ý đề cao; cung cấp lương thực của Nhà nước thiếu chặt chẽ; công tác quản lý thị trường buông lỏng v.v…

Những nhược điểm thiếu sót trên đã phát sinh tác dụng tiêu cực đối với sản xuất lương thực, đối với việc huy động và phân phối lương thực trong những năm gần đây; nhiều hợp tác xã và nông dân thiếu yên tâm và phấn khởi sản xuất, ý thức làm nghĩa vụ đối với Nhà nước sút kém, khuynh hướng ỷ lại vào Nhà nước nảy nở, khối lượng lương thực Nhà nước phải bán ra cho nông dân thiếu ăn ngày càng tăng, khối lượng lương thực phải nhập khẩu ngày càng nhiều, thị trường tự do về lương thực có chiều hướng phát triển.

Hiện nay, trong điều kiện miền Bắc đã chuyển sang thời kỳ vừa khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam, vấn đề khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực, thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu. Phương hướng cơ bản giải quyết vấn đề lương thực là: trên tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tập trung sức phát triển sản xuất, tăng cường quản lý lưu thông và phân phối, tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm, vươn lên mạnh mẽ, tiến tới tự lực giải quyết vấn đề lương thực một cách vững chắc. Để bảo đảm thực hiện phương hướng trên, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề lương thực là: bằng mọi cách giúp đỡ và khuyến khích các hợp tác xã và nông dân phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở sản xuất phát triển, thi hành tốt chính sách thu mua và phân phối lương thực nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chính sách thu mua và phân phối lương thực phải quán triệt một cách toàn diện những quan điểm, nguyên tắc sau đây:

1. Làm cho nông dân yên tâm, phấn khởi đẩy mạnh sản xuất lương thực nhằm giải quyết một cách vững chắc nhu cầu về lương thực trong phạm vi toàn miền Bắc, trên tinh thần đề cao tự lực cánh sinh xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân các địa phương phấn đấu đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm để bảo đảm nhu cầu lương thực của mình và đóng góp ngày càng nhiều lương thực cho Nhà nước.

2. Đề cao tinh thần tự lực cánh sinh trong việc giải quyết lương thực. Phải trên cơ sở khắc phục tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, trông chờ vào nhập khẩu mà làm cho các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ nông dân và các địa phương phấn đấu vươn lên tự lực giải quyết nhu cầu về lương thực và làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Những nơi xưa nay vẫn thiếu lương thực thì phải phấn đấu tự túc về lương thực; những nơi đã làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước thì phải phấn đấu làm tốt hơn nữa. Những nơi được Nhà nước cung cấp lương thực thì phải hết sức tiết kiệm tiêu dùng về lương thực.

3. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động trong nội bộ hợp tác xã nhằm khuyến khích mọi người hăng hái tham gia lao động để tạo ra được nhiều sản phẩm lương thực thực phẩm cho xã hội, đồng thời phát huy truyền thống tương trợ, hữu ái giai cấp của nông dân, nhằm giải quyết lương thực cho những hộ xã viên đã tích cực lao động mà vẫn còn thiếu, góp phần đoàn kết nông thôn, ổn định đời sống của quần chúng.

4. Tăng cường quản lý của Nhà nước trong việc phân phối lương thực của toàn xã hội theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm.

Nhà nước phải tăng cường quản lý lương thực một cách toàn diện, thực hiện phân phối có tổ chức, có kế hoạch; nghiêm cấm thương nhân buôn bán thóc, gạo, ngô, bột mì, nghiêm cấm tệ nấu rượu trái phép, từng bước xóa bỏ thị trường tự do về lương thực.

Triệt để tiết kiệm tiêu dùng lương thực, kiên quyết chống lãng phí, đầu cơ, ăn cắp lương thực của Nhà nước và của hợp tác xã.

Kết hợp chặt chẽ quản lý phân phối lương thực với quản lý lao động xã hội, thực hiện phân công mới lao động xã hội, góp phần bảo đảm trật tự trị an.

5. Tăng cường và củng cố công nông liên minh. Giai cấp công nhân có nhiệm vụ giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; không ngừng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, mở rộng sự trao đổi hàng hóa có tổ chức giữa Nhà nước và nông dân theo một chính sách công bằng hợp lý, tăng cường cung cấp hàng công nghiệp (tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) cho nông dân, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân đối với số lương thực và nông sản còn lại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Giai cấp nông dân tập thể phải ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển, thực hành tiết kiệm nhằm vừa bảo đảm nhu cầu lương thực cho bản thân vừa bảo đảm đóng góp ngày càng nhiều lương thực và nông sản cho Nhà nước, giúp Nhà nước nắm chắc lực lượng lương thực và nông sản trong tay để đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.

II. CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ LƯƠNG THỰC

1. Từ năm 1970 trở đi, Nhà nước ổn định mức nghĩa vụ lương thực (bằng thóc và ngô) dưới hình thức thuế và thu mua cho các hợp tác xã và hộ nông dân cá thể. Các khoản lệ phí khác từ nay thu bằng tiền. Mức nghĩa vụ kỳ này được ổn định trong 5 năm, từ năm 1970 đến 1974. Trong thời gian 5 năm ấy, mức này không thay đổi, trừ trường hợp diện tích trồng lúa và ngô của hợp tác xã thay đổi lớn do dùng vào xây dựng cơ bản của Nhà nước, hoặc do chuyển sang trồng cây khác theo yêu cầu của Nhà nước.

Khi định mức ổn định nghĩa vụ lương thực cần quán triệt những quan điểm, nguyên tắc nói trên. Căn cứ để định mức ổn định là dựa vào kết quả huy động bình quân 3 năm (năm cao nhất, năm bình thường, năm sút kém), tính  trong những năm từ 1963 đến 1969, đồng thời dựa vào tình hình thực tế sản xuất và đời sống hiện nay, nhìn khả năng mấy năm tới, và tham khảo mức ổn định nghĩa vụ mà Nhà nước đã giao năm 1963.

Mức ổn định nghĩa vụ giao theo số lượng tuyệt đối cho cả năm, nhưng có định mức tạm thu trong vụ chiêm, và giữa hai vụ trong một năm có thể cho phép được bù trừ để bảo đảm cho nông dân có được mức lương thực còn lại cần thiết và để bảo đảm thực hiện được mức nghĩa vụ đã ổn định tính chung cho cả năm.

Hợp tác xã nào hoàn thành tốt mức nghĩa vụ ổn định thì tùy tình hình cụ thể sẽ được Nhà nước xét khen thưởng thích đáng.

Trường hợp vì có thiên tai nặng, địch họa lớn, mùa màng bị sút kém nặng, nếu cứ giữ nguyên mức nghĩa vụ đã ổn định sẽ gây ảnh hưởng đến mức sống tối thiểu của nông dân, thì Nhà nước sẽ giảm mức nghĩa vụ trong năm đó.

Khi gặp mất mùa, thiếu ăn, hợp tác xã và xã viên nông dân phải cố gắng tăng thêm rau mầu ngắn ngày để tự giải quyết, hoặc vận động, tương trợ nhau trong hợp tác xã và giữa các hợp tác xã với nhau. Trường hợp hợp tác xã đã cố gắng mọi mặt nhưng vẫn không tự giải quyết được, thì Nhà nước có thể xem xét giúp đỡ thêm.

2. Ở vùng đại đồng mầu, đối với hợp tác xã và hộ nông dân cá thể trồng nhiều mầu (khoai, sắn), Nhà nước giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực bằng mầu khô như đối với thóc, ngô.

 Đối với những hợp tác xã sản xuất vừa thóc vừa mầu, lâu nay chỉ làm nghĩa vụ lương thực bằng thóc, thì cho phép nộp một phần mầu, một phần thóc.

[...]