Nghị quyết 75/2017/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 75/2017/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/07/2017
Ngày có hiệu lực 17/07/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Văn Đọc
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2017/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 07 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Xét Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 21/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí với báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau đây:

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017

6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017: (1) Kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,6%, cao nhất trong những năm gần đây. giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá. (2) Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đánh giá cao; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng mạnh. (3) Thu ngân sách có nhiều cố gắng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 60% dự toán, đặc biệt thu nội địa tăng khá, chiếm tỷ trọng trên 75% tổng thu ngân sách. (4) Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, các dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. (5) Chương trình nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và Đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và công tác phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời. (6) Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, hoạt động lễ, tết, lễ hội du lịch đảm bảo vui tươi, thiết thực, an toàn. (7) Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng cháy, chữa cháy được các ngành chức năng chủ động, tăng cường kiểm tra, xử lý. (8) Chủ đề công tác năm về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị. (9) Các cấp, các ngành bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để cụ thể hóa các chủ trương bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, giải pháp thiết thực, phân công rõ cơ quan, rõ người, rõ trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực được tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức và còn một số hạn chế như: (1) Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), nhất là công nghiệp khai khoáng tăng thấp. (2) Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn; một số dự án lớn tại các khu công nghiệp gặp khó khăn trong thu hút lao động, kể cả lao động phổ thông; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng thấp so với dự kiến. (3) Một số nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, dự án mới chưa đạt tiến độ như: Đường bao biển hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, xây dựng Đề án vị trí việc làm, Vườn ươm khởi nghiệp... (4) Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhất là về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản (than, cát, đá, sỏi...), có thời điểm còn để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở một số địa bàn, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. (5) Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập; giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt thấp; tỷ lệ giải ngân các công trình, dự án thuộc Đề án 196 chỉ đạt 10,4%. (6) Công tác đầu tư cơ sở vật chất, kết nối liên thông giữa Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện với 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã chậm; hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) chậm được cải thiện. (7) Đơn thư khiếu nại, kiến nghị đông người chưa giải quyết dứt điểm tại cơ sở; công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động tuy có cố gắng song chưa đạt yêu cầu, còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn. (8) Công tác triển khai tổ chức thực hiện của một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. (9) Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 03/12/2016 của ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về rà soát thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

II. Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất tập trung phấn đấu để đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2017 đã đề ra: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng trên 10% trở lên; (2) Tổng thu ngân sách trên địa bàn không thấp hơn số thực hiện năm 2016 (38.385 tỷ đồng), trong đó: Thu nội địa: 27.600 tỷ đồng, phấn đấu đạt 29.000 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu phấn đấu đạt 10.000 tỷ đồng; (3) Chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước không thấp hơn số thực hiện năm 2016, đạt trên 55%; (4) Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng trên 10%.

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, 6 tháng cuối năm 2017 các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế

- Chỉ đạo, điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm cao hơn 6 tháng đầu năm để tăng trưởng GRDP năm 2017 tăng trên 10% theo Nghị quyết và phấn đấu cao hơn 11%. Người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các sở, ngành thường xuyên sâu sát nắm chắc tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/ NĐ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh; kịp thời xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, các sản phẩm năng lực sản xuất mới, sản phẩm du lịch đặc sắc theo kế hoạch dự kiến, kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm.

- Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 05/02/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế bằng các giải pháp nâng cao tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế các dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp. Từng bước nâng cao vị thế trong nước và nâng tầm trên trường quốc tế, xây dựng biểu tượng, thương hiệu quảng ninh. Tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch nội địa, mở rộng thị trường du lịch quốc tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ thông qua các khu kinh tế cửa khẩu, lối mở biên giới, hệ thống chợ và các siêu thị, trung tâm thương mại, tăng xuất khẩu hàng hóa, kiểm soát nhập khẩu; phát triển dịch vụ vận tải, cảng biển.

- Khẩn trương tập trung hoàn chỉnh Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Đề án thành lập Khu kinh tế tại thị xã Quảng Yên, Đề án thành lập Khu công nghiệp chuyên sâu Việt Hưng, sớm trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần tạo ra động lực và mô hình mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các công trình, dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là tại Khu kinh tế Vân Đồn, Khu dịch vụ cảng biển - cảng biển - công nghiệp - đô thị Đầm Nhà Mạc, Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Yên), Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Nam Tiền Phong đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào hoạt động. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xem xét, lựa chọn các dự án đầu tư; kiên quyết không lựa chọn các dự án, lĩnh vực ngành nghề tiềm ẩn các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 196 về nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thoát khỏi Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu năm 2017. Tổ chức triển khai Đề án Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020 trong toàn tỉnh theo hướng đi vào chiều sâu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ áp dụng Vietgap trong sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; phòng cháy chữa cháy, phòng chống cháy rừng. Thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thủy sản theo nghị định 67/2014/nĐ-CP của Chính phủ. hoàn thành phương án sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp thuộc tỉnh thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xây dựng và triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước và của tỉnh; dự báo đúng, sát tình hình để kịp thời linh hoạt có biện pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả, sát thực tiễn; đồng thời, chuẩn bị tốt công tác triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

2. Tiếp tục thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược

- Về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm như: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng, Đường dẫn và nút giao cuối tuyến, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ (dự kiến khánh thành chuỗi các công trình này vào đầu năm 2018); dự án Cầu Bắc Luân II và đường dẫn, Cầu phao tạm KM3+4, các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn do Tập đoàn Sungroup, Vingroup, Bimgroup, FLC... đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm khởi công các dự án: Tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trong quý III/2017; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; tuyến đường trục chính vào Khu dịch vụ, du lịch phức hợp giải trí cao cấp Vân Đồn; dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp tại Ngọc Vừng - Vân Đồn; dự án Khu phức hợp đô thị Hạ Long Xanh; dự án Cảng khách quốc tế Hòn Gai; nghiên cứu quy hoạch bến du thuyền, tầu cao tốc, tàu câu cá giải trí... tại thành phố Hạ Long tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Công tác cải cách hành chính: Triển khai đồng bộ, hiệu quả mô hình Chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công. hoàn thành kế hoạch đưa 100% thủ tục hành chính vào tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm hành chính công và kết nối liên thông đến 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đưa thủ tục hành chính của ngành Điện, ngành nước, bảo hiểm xã hội vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công. Triển khai giai đoạn II, III chính quyền điện tử, rà soát hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường mạng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, gắn trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã để cải thiện, nâng cao chất lượng Chỉ số quản trị và hiệu quả hành chính công (PAPI) và Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

- Phát triển nguồn nhân lực: Triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án phát triển nhân lực và quy hoạch mạng lưới dạy nghề; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Rà soát, đánh giá tổng thể nguồn lực lao động trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; có các giải pháp, tập trung xây dựng đề án chuyên sâu, có cơ chế chính sách thiết thực, đủ mạnh nhằm thu hút, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là nguồn lao động cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

[...]