Nghị quyết số 56-HĐBT về những nhiệm vụ cấp bách trong phân cấp quản lý kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 56-HĐBT
Ngày ban hành 07/06/1983
Ngày có hiệu lực 22/06/1983
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-HĐBT

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1983

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 56-HĐBT NGÀY 7-6-1983 VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ CẤP BÁCH TRONG PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ

Thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng kinh tế Trung ương và phát triển kinh tế và địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị và trong thực tế, đã bắt đầu phát huy các tiềm năng lao động, đất đai, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, chăm lo đời sống nhân dân và phúc lợi xã hội. Thực tiễn trong hai năm qua càng chứng minh chủ trương này của Đảng là đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta.

Song những tiến bộ ấy mới chỉ là bước đầu, chưa sâu rộng và đều khắp, nhiều quy định đúng đắn trong các văn bản chưa được thực hiện, công tác quản lý kinh tế thiếu những chính sách và chế độ cụ thể do nhận thức chưa sâu sắc, thống nhất nên trong việc thực hiện đã có những thiếu sót và lệch lạc. Cụ thể là:

Cơ cấu kinh tế đã xác định trong đường lối của Đảng chưa được cụ thể hoá cho từng thời kỳ, cho kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương. Do chưa đẩy mạnh công tác quy hoạch ngành và lãnh thổ, việc phân công và phân cấp chưa hợp lý, và do những thiếu sót khác trong công tác quản lý của Bộ và các địa phương, có nơi, có lúc đã có phần tách rời kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương, dẫn đến chia cắt hoặc tranh chấp, làm cho lực lượng sản xuất bị phân tán, không được sử dụng tốt.

Về tổ chức sản xuất, các cơ sở kinh tế quốc doanh và tập thể chưa được củng cố và sắp xếp lại, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa phần nào bị buông lỏng. Quá trình tái sản xuất chưa được tổ chức thông suốt, một mặt thì tập trung quan liêu, một mặt thì chia cắt, phân tán. Các liên hiệp xí nghiệp, công ty chưa được kiện toàn, chưa được giao cụ thể và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm để tổ chức tái sản xuất mở rộng và hoạt động chưa có hiệu quả. Ngành kinh tế kỹ thuật trong cả nước chậm được tổ chức; liên kết kinh tế chưa được đẩy mạnh.

Cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp đã bị phê phán nhưng chưa được thay thế bằng một cơ chế quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thờ kỳ quá độ, tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở tăng năng xuất lao động, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, thực hiện hài hoà ba lợi ích (lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích người lao động), giải quyết đúng đắn mỗi quan hệ giữa lợi ích của cả nước, lợi ích của địa phương và lợi ích của cơ sở.

Tổ chức bộ máy rất cồng kềnh, nặng nề, nhiều đầu mối, nhiều cấp trung gian; trách nhiệm và nhiệm vụ của từng đơn vị chưa được quy định rõ ràng; các cơ quan quản lý Nhà nước thường không làm đúng chức năng chính; đội ngũ cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật chưa được sử dụng tốt, ít được bố trí hoạt động và rèn luyện từ cơ sở.

Các cơ quan lãnh đạo và chỉ đạo không nắm được thông tin nhanh nhạy và chính xác, nhất là những thông tin từ cơ sở lên; buông lỏng việc kiểm tra; giám sát công việc của cấp dưới. Do nhiều nguyên nhân, sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước không đủ hiệu lực, không phát huy được kịp thời những sáng kiến của cơ sở và địa phương. Việc tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước chưa nghiêm, kém hiệu quả. Pháp chế xã hội chủ nghĩa bị coi thường, kẻ vi phạm không bị vi phạm không bị trừng phạt kịp thời và nghiêm minh.

Việc phân công giữa các Bộ và phân cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã chưa được hợp lý và rõ ràng; việc hợp tác giữa các ngành, các cấp, các đơn vị chưa ăn khớp, nặng về quan hệ ngành dọc, chưa chú ý đúng mức đến quan hệ ngang.

Để cụ thể hoá nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của Trung ương Đảng (khoá V), Hội đồng Bộ trưởng quyết định những nhiệm vụ cấp bách trong phân cấp quản lý kinh tế sau đây nhằm từng bước tạo ra một cơ cấu kinh tế và một cơ chế quản lý kinh tế hợp lý, góp phần quan trọng làm cho nền kinh tế sớm đi đến ổn định và phát triển.

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ
KINH TẾ

Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng đã chỉ rõ:

"Kết hợp đúng đắn xây dựng kinh tế Trung ương với phát triển kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất,... phải khắc phục sớm những vướng mắc, xác định cơ cấu hợp lý của kinh tế địa phương, phối hợp ăn khớp giữa kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương, thực hiện đúng đắn nguyên tắc kết hợp quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, mở rộng quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của địa phương trên các mặt kế hoạch, ngân sách, vật tư, lao động, cán bộ, tổ chức, v.v... Khắc phục bệnh tập trung quan liêu, đồng thời uốn nắn những biện pháp phân tán, vô tổ chức".

Thực hiện phương hướng đó, nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản về phân cấp quản lý kinh tế là:

1. "Nền kinh tế quốc dân là một thể thống nhất, không chia cắt, lấy kế hoạch Nhà nước là công cụ trung tâm. Tất cả các ngành, các cấp đều phải tuyệt đối tôn trọng sự thống nhất đó".

Nhằm đảm bảo sự thống nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong phân cấp quản lý phải quán triệt và cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ sát nhập với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại. Vừa tích cực khắc phục các khuyết điểm tập trung quan liêu, vừa phải kiên quyết khắc phục các khuyết điểm phân tán cục bộ, bản vị, địa phương, vô chính phủ.

Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, nhất thiết phải bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương về những vấn đề cơ bản của công tác quản lý kinh tế - xã hội, của quá trình tái sản xuất xã hội trong cả nước. Đồng thời, cần mở rộng quyền chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch và chính sách, chế độ của Nhà nước.

Để làm việc này, phải mạnh dạn giao cho các địa phương quyền hạn và trách nhiệm về các mặt cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy quản lý, trong đó có một số cơ sở và công việc mà cho đến nay các cơ quan Trung ương vẫn trực tiếp đảm nhiệm một cách không hợp lý, mạnh dạn giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh và tài chính cho cơ sở trong khuôn khổ phương hướng kế hoạch và chính sách của Nhà nước.

Để việc phân cấp quản lý kinh tế được tiến hành có hiệu quả, các cơ quan Trung ương, nhất là cơ quan chức năng, cần bảo đảm nắm được chính xác và kịp thời tình hình kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương, tăng cường hướng dẫn kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp, các cơ sở về thực hiện các chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước, thực hiện kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài chính, hợp đồng kinh tế, v.v...

Theo tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm vụ và chức năng chung của mỗi cấp trên lĩnh vực kinh tế được xác định theo những điểm chủ yếu sau đây:

- Cấp Trung ương quản lý toàn diện; về mặt kinh tế, Trung ương quyết định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; tổ chức điều tra và thống nhất quản lý tài nguyên quốc gia, xây dựng tổng sơ đồ phát triển và phân bổ lực lượng sản xuất; xây dựng quy hoạch ngành và phân vùng thành những vùng cơ bản trong toàn quốc; quyết định phương hướng, các cân đối lớn, các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của cả nước; kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; quyết định luật pháp kinh tế, các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức quản lý, tổ chức hợp tác quốc tế, tổ chức độc quyền ngoại thương của Nhà nước; quyết định những công trình đầu tư chủ yếu, thống nhất quản lý tài chính quốc gia, hệ thống cân đối các vật tư, sản phẩm quan trọng của nền kinh tế quốc dân; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp. Các ngành Trung ương trực tiếp quản lý những cơ sở và tổ chức kinh tế then chốt.

Các cấp tỉnh, huyện, xã đều có trách nhiệm và quyền hạn quản lý và xây dựng địa phương về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng theo sự phân công của Trung ương. Về mặt kinh tế, các cấp tỉnh, huyện, xã trực tiếp quản lý phần được giao quản lý về nông nghiệp, công nghiệp hoặc tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng,v.v... và đều có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của các cơ sở kinh tế Trung ương đóng tại địa phương. Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể về một số mặt như sau:

- Cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội trên lãnh thổ tỉnh theo phương hướng và sự chỉ đạo của Trung ương; bố trí cơ cấu kinh tế của tỉnh trên những ngành và vùng chủ yếu theo quy hoạch đã được Trung ương duyệt; tham gia với các ngành Trung ương trong việc quyết định phân bố lực lượng sản xuất nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý nhất tài nguyên và lao động trên lãnh thổ tỉnh, xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm của tỉnh trong đó có phần kế hoạch và cân đối lãnh thổ tỉnh; chỉ đạo các huyện xây dựng quy hoạch huyện; bảo đảm việc xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ và phát triển môi trường phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển dân số trên lãnh thổ tỉnh; xây dựng và thực hiện ngân sách tỉnh; cụ thể hoá và vận dụng các chế độ quản lý của Trung ương vào điều kiện của tỉnh trong phạm vị Trung ương quy định; trên cơ sở đó, góp ý kiến với Trung ương về việc cải tiến chính sách, chế độ quản lý; thực hiện quản lý lãnh thổ đối với kinh tế Trung ương nằm trên lãnh thổ tỉnh; trực tiếp quản lý những cơ sở kinh tế đã được phân cấp cho tỉnh; tổ chức thông suốt quá trình tái sản xuất trên lãnh thổ, kết hợp với sản xuất, phối hợp, lưu thông, tiêu dùng; cùng với các cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn quá trình hiệp tác và liên kết kinh tế giữa các cơ sở kinh tế địa phương và kinh tế Trung ương; tổ chức thực hiện ba cuộc cách mạng trong tỉnh, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt theo sự chỉ đoạ của Trung ương; chỉ đạo công tác xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện trong tỉnh.

Huyện là địa bàn quan trọng để tổ chức lại sản xuất, sử dụng hợp lý lao động, đất đai, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn; vận dụng sức mạnh tổng hợp của nhân dân lao động trong huyện kết hợp với sức mạnh của cả nước để từng bước tạo ra cơ cấu nông - công nghiệp huyện và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá cả nước. Huyện là địa bàn thích hợp để nông dân cùng với công nhân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ tập thể, xây dựng đời sống văn minh hạnh phúc của nhân dân, xây dựng pháo đài bảo vệ Tổ quốc.

Cấp huyện là cấp quản lý kinh tế toàn diện, chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, trực tiếp quản lý kinh tế huyện bao gồm các nông trường và trạm trại cần thiết, toàn bộ các hợp tác xã nông nghiệp, một số cơ sở công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, toàn bộ các cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các cơ sở khác trong phân phối lưu thông thuộc các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể. Huyện cụ thể hoá quy hoạch của các ngành Trung ương và của tỉnh xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội huyện; xây dựng và tổ chức thực hiên kế hoạch huyện nhằm khai thác các tiềm năng và từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của huyện; xây dựng và tổ chức thực hiện ngân sách huyện; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện ngân sách huyện; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ quản lý của Trung ương trong huyện, cùng với các cơ quan tỉnh và Trung ương tổ chức quá trình hợp tác và liên kết kinh tế giữa các đơn vị trong huyện.

- Cấp xã kiểm tra các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và hộ cá thể hoàn thành kế hoạch và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ được giao về bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hoá xã hội, quán lý ngân sách xã, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ trong sản xuất, phân phối lưu thông.

Hội đồng Bộ trưởng sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của cấp xã đối với việc chỉ đạo các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình cấp xã ở những vùng khác nhau (vùng đã hoàn thành hợp tác hoá, hợp tác xã đã có quy mô toàn xã, và những vùng chưa hợp tác hoá, hợp tác xã quy mô còn nhỏ).

[...]