Nghị quyết số 188-HĐBT về việc tăng cường thương nghiệp XHCN và quản lý thị trường do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 188-HĐBT
Ngày ban hành 23/11/1982
Ngày có hiệu lực 08/12/1982
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 188-HĐBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 188-HĐBT NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1982 VỀ TĂNG CƯỜNG THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

I

Từ sau ngày miền Nam giải phóng, chúng ta đã sớm xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, thực hiện một số biện pháp hạn chế và cải tạo đối với thương nghiệp tư bản tư doanh, ra sức xây dựng hệ thống thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa bao gồm thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiêu thụ. Đến nay, thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa đã có cơ sở đến các quận, huyện, phường, xã trong cả nước và đã nắm được phần lớn sản phẩm hàng hoá về những mặt hàng quan trọng nhất đối với sản xuất và đời sống.

Từ giữa năm 1980 lại đây, dưới ánh sáng của nghị quyết Trung ương lần thứ 6, của nghị quyết 26 và chỉ thị 109 của Bộ Chính trị, nhiều cải tiến trong cơ chế quản lý sản xuất và kinh doanh được thực hiện, tính tích cực năng động trong sản xuất kinh doanh được phát huy thì thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa cũng có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với sản xuất, việc thu mua nắm nguồn hàng nông sản vào tay Nhà nước mỗi năm một tăng.

Song, bên cạnh những thành tựu và tiến bộ nói trên, thị trường xã hội còn nhiều hiện tượng tiêu cực, có mặt thậm chí còn xấu đi so với mấy năm trước.

Tỷ trọng (tính theo giá so sánh) của thị trường có tổ chức giảm, ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, trong khi tỷ trọng của thị trường tự do ngày càng tăng từ 20% năm 1980, lên 30% năm 1981, lên 40% năm 1982. Mặc dù đã nắm được những sản phẩm công nghiệp chủ yếu và đại bộ phận sản phẩm hàng hoá về những mặt hàng chủ yếu của nông, lâm, ngư nghiệp, song thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa còn bỏ trống nhiều trận địa, thị trường tự do vẫn chi phối tuyệt đại bộ phận sản phẩm của tiểu, thủ công nghiệp, một phần quan trọng sản phẩm của nông, lâm, ngư nghiệp, và phần lớn thị trường ăn uống công cộng và dịch vụ. Từ năm 1980 lại đây, nhập khẩu giảm, sản lượng của công nghiệp quốc doanh giảm thì lực lượng hàng hoá trong tay thương nghiệp quốc doanh giảm nhiều. Trong khi đó thì hàng nhập khẩu của tư nhân qua con đường quà biếu và hàng lậu qua biên giới tăng lên nhiều, trở thành một nguồn hàng quan trọng của thị trường tự do. Thị trường này còn được bổ sung khá nhiều bằng chính những vật tư hàng hoá của Nhà nước bị một số công ty và xí nghiệp quốc doanh đưa ra thị trường tự do bán lấy giá cao hoặc bị lấy cắp, bị tuồn ra thị trường tự do bằng nhiều con đường.

Cùng với đà phát triển của thị trường tự do, số người buôn bán tăng nhanh, phần đông không đăng ký kinh doanh và trốn thuế. Tình trạng đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép diễn ra gần như công khai. Trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả, có thứ gây nguy hại đến tính mạng người dùng. Ở một số vùng nông thôn miền Nam, ngoài việc đầu cơ nông sản, phú nông, phú thương còn kinh doanh bóc lột bằng cách cho vay lãi nặng.

Bằng giá cả đầu cơ và trốn thuế, thương nhân có thu nhập cao hơn nhiều so với các tầng lớp khác trong xã hội. Bên cạch những tư sản thương nghiệp cũ đang hoạt động trở lại, đã xuất hiện nhiều phần tử tư sản mới, bằng con đường buôn bán đầu cơ mà trở nên giàu có.

Ngay trong thị trường có tổ chức cũng xuất hiện nhiều sự rối ren, hỗn loạn. Nhiều đơn vị kinh doanh (ngành này với ngành kia, địa phương này với địa phương kia, cấp I với cấp II, quốc doanh với hợp tác xã, v.v...) tranh nhau mua, bán, xuất, nhập. Nhiều hợp tác xã mua bán quận, huyện, phường, xã cũng kinh doanh đường dài Bắc - Nam. Một số xí nghiệp sản xuất, cơ quan Nhà nước và đoàn thể quần chúng cũng tham gia buôn bán, kiếm lời nhờ chênh lệch giá. Vì vậy mà đua nhau đẩy giá lên, vô hình chung chạy theo cơ chế thị trường, làm rối loạn và thu hẹp lưu thông hàng hoá có tổ chức.

Thị trường diễn biến xấu đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống, làm rối loạn sự phát triển theo kế hoạch của nền kinh tế quốc dân, gây khó khăn thêm cho nền tài chính và tiền tệ Quốc gia, làm mất trật tự và an ninh, làm hư hỏng một số cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự quản lý kinh tế của Nhà nước.

Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân:

1. Mấy năm gần đây, nguồn thu từ nước ngoài giảm nhiều, giá hàng nhập khẩu tăng đột biến, nền kinh tế mất cân đối ngày càng nghiêm trọng, sản lượng của công nghiệp quốc doanh giảm, lực lượng hàng hoá trong tay thương nghiệp quốc doanh giảm, sự mất cân đối giữa cung và cầu, giữa hàng và tiền ngày càng gay gắt, số người lao động thiếu việc làm ngày càng tăng, thu nhập thực tế của những người sống bằng tiền lương giảm. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khối lượng thu mua nông sản tuy tăng khá, song không đủ bù vào số thiếu hụt do nguồn thu từ nước ngoài và nguồn hàng nhập khẩu giảm. Tình hình kinh tế xã hội như trên là miếng đất làm nảy sinh nhiều rối ren, tiêu cực trên thị trường.

2. Về phần chủ quan lãnh đạo, có nơi có lúc chúng ta chưa thấy được thật rõ cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp nhằm giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa chính là đang diễn ra gay gắt trên thị trường, và trong lúc địch đang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta thì cuộc đấu tranh ấy trong chừng mực nhất định còn mang tính chất đấu tranh giữa ta và địch. Vì thế mà có tình trạng buông lỏng quản lý đối với thị trường tự do, không thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm kê, kiểm soát đối với thương nghiệp tư nhân; không thực hiện một cách liên tục, nhất quán chính sách cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư doanh; buông lỏng quản lý xuất nhập khẩu, buông lỏng quản lý vật tư hàng hoá Nhà nước; không tập trung sức truy quét và thẳng tay trừng trị bọn đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, bọn ăn cắp vật tư hàng hoá Nhà nước.

3. Đối với thương nghiệp quốc doanh, do nhận thức chưa đúng vị trí và vai trò của nó trong công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cho nên chưa thật chăm lo tăng cường lực lượng về mọi mặt cho thương nghiệp quốc doanh. Bản thân thương nghiệp quốc doanh thì còn nhiều mặt non yếu trong kinh doanh và quản lý, tinh thần cách mạng tiến công, vươn lên chiếm lĩnh thị trường và lãnh đạo thị trường chưa cao. Cơ chế và tổ chức kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã còn nhiều bất hợp lý, có mặt còn gò bó, trở ngại cho việc mở rộng kinh doanh, có mặt lại thả lỏng quá đáng, dẫn đến tuỳ tiện, tranh mua tranh bán, buông trôi theo cơ chế thị trường.

4. Công tác quản lý của Nhà nước có nhiều sơ hở, thiếu sót. Nhiều chủ trương chính sách kinh tế chậm được cụ thể hoá và thể chế hoá, có những quy định còn sơ hở dẫn đến tuỳ tiện trong thực hiện; còn nhiều quy định gò bó, cứng nhắc, không sát hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế nhiều thành phần, trình độ phát triển của mỗi vùng không giống nhau. Các cơ quan quản lý của Nhà nước thiếu các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở. Các đơn vị kinh tế cơ sở của Nhà nước và của tập thể là người thực hiện mọi chủ trương, chính sách về phân phối, lưu thông và trực tiếp quản lý hàng, tiền thì nhiều nơi chưa được củng cố, kỷ luật không nghiêm. Nhà nước thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý các hoạt động trên thị trường nội địa; cán bộ, nhân viên chuyên làm công việc quản lý thị trường, thu thuế công thương nghiệp và chống các tội phạm về kinh tế thì vừa thiếu, vừa yếu. Hiệu lực quản lý của Nhà nước càng yếu do chưa quan tâm phát động quần chúng, dựa vào quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực; chống những hoạt động đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường.

II

Đại hội lần thứ 5 của Đảng đã xác định một trong những chính sách lớn về kinh tế - xã hội là "Thiết lập trật tự mới, Xã hội chủ nghĩa, trên mặt trận phân phối, lưu thông, để góp phàn ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, chuyển tốt tình hình kinh tế và xã hội... Phân phối, lưu thông phải tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh giữa hai con đường, mở rộng trận địa của Chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi trận địa tự phát Tư bản chủ nghĩa, điều tiết bằng được thu nhập của các tầng lớp dân cư cho công bằng, hợp lý. Phải kết hợp chặt chẽ cả ba loại biện pháp kinh tế, hành chính và giáo dục, trong đó biện pháp kinh tế là gốc".

Hiện nay, thị trường là trận địa nóng bỏng của phân phối, lưu thông. Thiết lập trật tự mới Xã hội chủ nghĩa trên thị trường là một nhiệm vụ cấp bách.

Quản lý thị trường phải quán triệt những phương châm, nguyên tắc sau đây:

1. Phải đặt toàn bộ thị trường xã hội dưới sự kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước, theo pháp luật thống nhất của Nhà nước. Tập thể và cá nhân nào kinh doanh thương nghiệp cũng đều phải xin phép. Khi đã được phép thì phải tuân thủ các thể lệ quản lý do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành. Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và tập thể phải hoạt động có trật tự, theo sự phân công và phân cấp hợp lý. Bất cứ tổ chức và cá nhân nào vi phạm pháp luật Nhà nước đều phải bị xử lý nghiêm khắc.

2. Nhân tố quyết định nhất để quản lý thị trường là một mặt, phải đẩy mạnh sản xuất phát triển theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước; mặt khác, phải không ngừng mở rộng và củng cố trận địa của kinh tế quốc doanh, bảo đảm cho Nhà nước nắm chắc được hàng và tiền. Thương nghiệp quốc doanh, người lãnh đạo thị trường, phải được tăng cường về mọi mặt, trước hết là về lực lượng hàng hoá. Sản phẩm của công nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh và sản phẩm của tiểu thủ công nghiệp có ký hợp đồng với Nhà nước phải giao nộp toàn bộ cho thương nghiệp quốc doanh để đưa vào lưu thông có tổ chức. Thương nghiệp quốc doanh phải cải tiến kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh (hiệu quả kinh doanh không đơn thuần là lợi nhuận mà là phục vụ tốt nhất sản xuất và đời sống nhân dân với chi phí ít nhất), hợp lý hoá về tổ chức và phải được tăng cường về cơ sở vật chất kỹ thuật để vươn lên nắm tuyệt đại bộ phận bán buôn, phần lớn bán lẻ và dịch vụ, thống lĩnh thị trường.

Thương nghiệp tập thể, đặc biệt là hợp tác xã mua bán xã, có vai trò hết sức quan trọng. Là tổ chức kinh tế tập thể của nông dân, hợp tác xã mua bán phải vươn lên cùng với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đảm nhiệm mọi hoạt động trao đổi hàng hóa giữa nông dân và Nhà nước, đưa nông dân đi vào thị trường có tổ chức, thu hẹp thế lực tự phát Tư bản chủ nghĩa trên thị trường.

3. Quản lý thị trường phải kết hợp chặt chẽ với cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh cũng như đối với công nghiệp tư doanh và nông nghiệp cá thể.

Trong thương nghiệp, phải triệt để xoá bỏ thành phần tư bản trong thương nghiệp như Đại hội lần thứ 5 của Đảng đã chỉ rõ. Đối với những người buôn bán nhỏ, phải đăng ký và sắp xếp, đồng thời tích cực tạo điều kiện để chuyển dần những người thừa trong lưu thông sang sản xuất và dịch vụ.

4. Quản lý thị trường cuối cùng phải đạt được mục đích mở rộng lưu thông hàng hoá một cách có tổ chức, có trật tự, thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Quản lý không phải là cấm chợ, ngăn sông làm cho lưu thông hàng hoá bị ách tắc, thị trường bị chia cắt và gây phiền hà cho nhân dân. Phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế và hành chính, tư tưởng và tổ chức, trong đó nắm vững biện pháp kinh tế là cơ bản, mà biện pháp kinh tế quan trọng nhất là thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa phải nắm nguồn hàng tận gốc, phải mở rộng kinh doanh Xã hội chủ nghĩa, chiếm lĩnh thị trường. Về tư tưởng và tổ chức, phải động viên cho được lực lượng quần chúng, dựa vào quần chúng, và phải tổ chức tốt sự hiệp đồng giữa các ngành, các cấp. Mặt khác, phải hết sức tăng cường quản lý hành chính, làm cho pháp luật Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh. Đối với bọn đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường và những phần tử thoái hoá biến chất, đang đục khoét nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa từ bên trong, phải kiên quyết trấn áp, đánh cho trúng, nhất là những tên đầu sỏ.

Về mục tiêu, phải phấn đấu trong vài ba năm trước mắt, về cơ bản lập được trật tự mới trên thị trường, cụ thể là:

1. Thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa được phân công, phân cấp hợp lý, với cơ chế kinh doanh hợp lý, nắm được tất cả các nguồn hàng quan trọng, chi phối được bán lẻ và dịch vụ. Vật tư, hàng hoá của Nhà nước được quản lý chặt chẽ, không để bị lấy cắp, bị thẩm lậu ra thị trường tự do và bị hư hao quá mức cho phép.

[...]