Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 146-HĐBT năm 1982 sửa đổi Quyết định 25-CP năm 1981 về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 146-HĐBT
Ngày ban hành 25/08/1982
Ngày có hiệu lực 09/09/1982
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 146-HĐBT NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1982 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 25-CP NGÀY 21-1-1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Quyết định số 25-CP được ban hành hơn một năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực; phát huy một bước tính chủ động sáng tạo của xí nghiệp trong việc khai thác tiềm năng lao động thiết bị, vật tư để làm thêm sản phẩm , duy trì và thúc đẩy được sản xuất công nghiệp trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều mất cân đối, góp phần ổn định đời sống người lao động và ổn định đội ngũ công nhân, bảo đảm và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Ở một số ngành và địa phương , do nhận thức rõ tinh thần cơ bản và tích cực thực hiện Quyết định số 25-CP nên đã tạo ra những chuyển biến mạnh trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực là chủ yếu, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, lệch lạc.

Căn cứ vào những điều kiện sản xuất và sinh hoạt (giá cả, tiền lương, các chế độ trợ cấp, phụ cấp, v.v...) đã có những thay đổi.

Để phát huy tốt hơn nữa tác dụng tích cực của quyết định số 25-CP và uốn nắn những lệch lạc đã phát sinh trong việc thi hành nhằm:

1. Cải tiến công tác kế hoạch hoá phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, phát huy đầy đủ tính chủ động, sáng tạo của xí nghiệp, để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất và tập trung được nguồn hàng vào tay Nhà nước.

2. Chấn chỉnh việc mua vật tư, nguyên liệu và việc tiêu thụ sản phẩm, cũng như công tác hạch toán và giá cả của xí nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường không có tổ chức.

3. Phân phối lợi nhuận bảo đảm nguồn thu tài chính của Nhà nước, đồng thời khuyến khích thoả đáng xí nghiệp và người lao động giảm bớt sự chênh lệch quá đáng về thu nhập giữa các xí nghiệp và các ngành.

Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1) Xác định lại phương hướng và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp công nghiệp quốc doanh cho sát với điều kiện cụ thể hiện nay.

Trên cơ sở khả năng cân đối hiện thực về năng lượng vật tư, nguyên liệu, phụ tùng, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng với các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các liên hiệp xí nghiệp tiến hành việc sắp xếp lại sản xuất, phân loại xí nghiệp, xác định đúng đắn nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của các đơn vị cơ sở cho phù hợp với điều kiện hiện tại.

a) Các xí nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân được Nhà nước ưu tiên bảo đảm cung cấp đủ những phương tiện và vật tư, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất được ổn định.

b) Các xí nghiệp không được Nhà nước cung ứng đủ vật tư chủ yếu thì được quyền chủ động tìm thêm vật tư, nguyên liệu từ các nguồn khác nhau, kể cả vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước để nhập nguyên liệu, phụ tùng.

c) Các xí nghiệp không có khả năng tiếp tục hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả kinh tế thì cho phép được chuyển hướng sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất.

Việc chuyển hướng sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất của từng xí nghiệp do Bộ trưởng Bộ chủ quản (nếu là xí nghiệp quốc doanh trung ương) hoặc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là xí nghiệp quốc doanh địa phương) xem xét và quyết định.

Trường hợp cần tạm ngừng sản xuất, Bộ trưởng Bộ chủ quản hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có những biện pháp để bảo quản tốt nhà xưởng, thiết bị, tìm cách giải quyết việc làm cho công nhân, duy trì đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật chủ chốt.

2. Công tác kế hoạch của xí nghiệp.

Ngoài lượng vật tư chủ yếu do Nhà nước cung ứng, các xí nghiệp đều được chủ động tìm kiếm thêm vật tư từ các nguồn khác nhau (vật tư ứ đọng của các xí nghiệp quốc doanh, vật tư là nông, lâm, hải sản của các đơn vị quốc doanh, đơn vị tập thể và những người sản xuất cá thể đã hoàn thành nghĩa vụ giao nộp cho Nhà nước còn thừa, vật tư do địa phương và xí nghiệp được phép nhập khẩu) để xây dựng kế hoạch sản xuất. Đồng thời xí nghiệp phải tận dụng khả năng hiện có để tổ chức sản xuất sản phẩm phụ như lâu nay vẫn làm.

Như vậy, tuỳ điều kiện cụ thể về khả năng của Nhà nước trong việc cân đối và cung ứng vật tư chủ yếu cho xí nghiệp, kế hoạch của xí nghiệp có thể có phần do Nhà nước giao được cân đối vật tư chủ yếu và phần do xí nghiệp chủ động tự tìm kiếm vật tư để sản xuất.

a) Trường hợp xí nghiệp được Nhà nước cung ứng đủ vật tư chủ yếu, xí nghiệp phải xây dựng và thực hiện kế hoạch theo đúng chế độ hiện hành.

Vật tư chủ yếu Nhà nước giao cho xí nghiệp là những vật tư do các tổ chức cung ứng vật tư của Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, nông trường, lâm trường... cung ứng cho xí nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và theo giá chỉ đạo của Nhà nước.

b) Trường hợp không được Nhà nước cung ứng đủ vật tư chủ yếu thì ngoài phần chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, xí nghiệp được xây dựng thêm phần kế hoạch bổ sung trên cơ sở tự tìm kiếm vật tư để sản xuất ra những sản phẩm chính hoặc sản phẩm do khách hàng gia công đặt hàng hoặc mở rộng thêm các công việc có tính chất công nghiệp.

Nếu mua thêm vật tư chủ yếu ở trong nước, xí nghiệp phải chấp hành đúng các chế độ quản lý vật tư và quản lý giá cả của Nhà nước, cụ thể là:

Những vật tư còn thừa chưa dùng đến, xí nghiệp được nhượng lại cho nhau trên tinh thần hợp tác tương trợ thì được tính theo giá bán buôn vật tư của Nhà nước cộng với chi phí bảo quản và vận tải hợp lý do hai bên thoả thuận.

Những vật tư kỹ thuật được cơ quan chủ quản của đơn vị có vật tư chấp nhận là thuộc diện thanh lý, thì xí nghiệp được mua theo giá chỉ đạo đối với vật tư thanh lý theo những nguyên tắc do Bộ Tài chính cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Vật tư quy định.

Những nguyên liệu thiết yếu là nông, lâm, hải sản thuộc diện vật tư Nhà nước thống nhất quản lý, xí nghiệp phải mua theo khung giá chỉ đạo của Nhà nước do cơ quan được phân cấp quản lý giá quy định, và được áp dụng cho từng vùng và từng thời gian.

Những nguyên liệu không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, xí nghiệp được mua theo giá thoả thuận.

Nghiêm cấm xí nghiệp mua trên thị trường tự do những vật tư do Nhà nước độc quyền phân phối. Xí nghiệp phải góp phần phát hiện và kiến nghị biện pháp xử lý những hiện tượng mua, bán trái phép vật tư của Nhà nước.

[...]