Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 49/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 49/NQ-HĐND
Ngày ban hành 01/11/2023
Ngày có hiệu lực 01/11/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 01 tháng 11 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH KON TUM THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 155/TTr-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn bản số 3741/UBND-KTTH ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp thu, giải trình các ý kiến qua thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) với những nội dung chính như sau:

I. Phạm vi, ranh giới Quy hoạch

- Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Kon Tum bao gồm toàn tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 9.677,3 km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố (Kon Tum); 09 huyện (Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông) với tổng số 102 xã, phường, thị trấn.

- Toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Kon Tum, tại tọa độ địa lý từ 107°20'15" đến 108°32'30" Kinh độ Đông và từ 13°55'10" đến 15°27'15" Vĩ độ Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.

II. Quan điểm, mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

1. Quan điểm phát triển

a) Quan điểm chung: Phát triển tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia, vùng Tây Nguyên, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Quan điểm phát triển kinh tế:

- Phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá;

- Lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý trên cơ sở cân đối vốn đầu tư theo khả năng huy động nhằm đảm bảo cân bằng giữa các ngành sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất với tốc độ phù hợp với năng lực của các nguồn lực kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội. Bố trí hợp lý và tập trung các khu vực kinh tế, tạo lập các cực tăng trưởng mạnh và các mối liên kết phát triển trong vùng, khu vực; giảm thiểu các khu vực kinh tế không chính thức, phân tán, nhỏ lẻ. Đảm bảo cân đối giữa lợi ích phát triển kinh tế với các lợi ích khác, trong đó cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế phục vụ tối đa cho hoạt động của các ngành quan trọng (được lựa chọn theo các kịch bản phát triển), các cực tăng trưởng và các mối liên kết theo lãnh thổ..., đảm bảo cho nền tảng kinh tế tỉnh có thể phát triển nhanh, đạt hiệu quả cao, với khát vọng xây dựng thương hiệu tỉnh Kon Tum đặc sắc và nổi bật với đất nước và khu vực.

c) Quan điểm phát triển xã hội:

- Phát triển xã hội văn minh, thân thiện trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội; trong đó đặc biệt cần xem xét rà soát, sắp xếp lại hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ưu tiên phát triển các đô thị lớn có sức hút lớn, có nhiều việc làm và dịch vụ xã hội, gắn với các khu, điểm kinh tế chuyên ngành, tạo lực kéo đẩy mạnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị; sắp xếp và bảo tồn hệ thống các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới và đề cao sắc thái dân tộc.

- Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lực lượng lao động tay nghề cao trong nước và ngoài nước. Chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh.

d) Quan điểm phát triển không gian:

- Tổ chức không gian chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum không tách rời một số định hướng phát triển quan trọng đã được xác lập theo các quy hoạch và dự án đã và đang được lập và phê duyệt; đề xuất các yếu tố mới trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong mối quan hệ mật thiết hữu cơ với các vùng xung quanh trong sự phân công hợp tác cùng có lợi. Trong đó cần làm rõ sự gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng chức năng với các hành lang kinh tế của tỉnh, vùng nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; tạo đột phá phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, gắn kết với vùng Tây Nguyên; Tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bản sắc rõ ràng... nhằm đảm bảo các nguyên tắc: Gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung có phân tán, phù hợp với môi trường và an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.

- Phát triển tỉnh Kon Tum cần khắc phục những khó khăn, hạn chế của lãnh thổ; nghiên cứu và có giải pháp khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; Hình thành những điểm đột phá về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại có cấu trúc và quy mô thuận lợi cho chiến lược phát triển chung của tỉnh theo từng giai đoạn phát triển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân.

e) Quan điểm bảo vệ môi trường: Phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Khai thác sử dụng nước tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý; phù hợp với khả năng nguồn nước, tôn trọng quy luật tự nhiên với điều kiện thực tế, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Việc quy hoạch, xây dựng mới các công trình khai thác, sử dụng nước phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.

g) Quan điểm chính trị, quốc phòng, an ninh, hợp tác và hội nhập:

- Phát triển tỉnh Kon Tum trên quan điểm mở và hội nhập, có cơ chế chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường liên kết phát triển hợp tác với các tỉnh, thành phố, các vùng trong nước, khu vực và quốc tế, cụ thể: tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực, các đối tác phát triển và các cơ chế hợp tác quốc tế, bao gồm cả các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Kông, tiêu biểu như Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, các hành lang kinh tế tại khu vực, bao gồm hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực, khu vực ưu tiên phát triển của vùng với mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.

[...]