Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 54/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/10/2023
Ngày có hiệu lực 10/10/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hoài Anh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 10 tháng 10 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH BÌNH THUẬN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 17 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 3627/BC-HĐTĐ ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo ĐMC của Quy hoạch;

Xét Tờ trình số 3663/TTr-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 119/BC-HĐND ngày 06 tháng 10 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) với những nội dung chủ yếu sau:

I. Phạm vi, ranh giới quy hoạch

Phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận bao gồm toàn bộ tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2 và diện tích vùng biển đưa vào nghiên cứu quy hoạch là 20.288 km2, bao gồm mặt biển, cột nước biển từ mặt biển đến đáy biển, trên mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển thuộc nội thủy và vùng biển tỉnh được giao quản lý; trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 01 Thành phố (Phan Thiết); 01 Thị xã (La Gi) và 07 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân) và 01 huyện đảo (Phú Quý).

II. Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển

1. Quan điểm phát triển

(1). Phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo làm chủ công nghệ, chuyển đổi số và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường.

(2). Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; hướng tới nâng cao phất lượng đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

(3). Phát huy tối đa lợi thế của các địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(4). Chủ động gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

(5). Tổ chức lãnh thổ nội tỉnh phải tạo ra và mở rộng không gian phát triển mới, đảm bảo phù hợp với xu thế tổ chức sản xuất mới, xu thế đô thị hóa và phát huy được những lợi thế của tỉnh, hướng tới tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng (tiểu vùng), các địa phương, tạo ra các động lực mới, bền vững cho sự phát triển của tỉnh.

(6). Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học để bảo đảm sự phát triển bền vững.

(7). Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kiên quyết không đầu tư dàn trải. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, hạ tầng thủy lợi và bảo vệ nguồn nước phù hợp với định hướng phát triển và kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

[...]