Nghị quyết 33/NQ-HĐND năm 2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 33/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/01/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Trường Nhật Phượng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 12 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Sau khi xem xét Báo cáo số 364/BC-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết nghị:

I. VỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

Năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh và căng thẳng chính trị trên thế giới nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) có sự phục hồi khả quan qua từng quý, ước cả năm

2022 tăng 8,01% (năm 2021 tăng 3,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,1% - 22,8% - 2,7% - 7,4%; đà phục hồi tăng trưởng thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19”.

Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng; các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi số, liên kết mở rộng quy mô, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước (năm 2021 tăng 4,5%).

Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các siêu thị và chợ truyền thống, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ đô la Mỹ; thu hút đầu tư nước ngoài vượt 71% kế hoạch năm.

Phương án phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung đô thị cấp huyện được khẩn trương thực hiện đã làm cơ sở cho việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng đã được khởi động và triển khai thi công quyết liệt: khu công nghiệp VSIP III, nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13; các dự án giao thông liên vùng được khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Thu ngân sách theo dự toán, đảm bảo nhu cầu chi an sinh xã hội và phòng dịch; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chính sách lãi suất theo quy định; cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt chính sách cho các đối tượng trong dịp Tết, các ngày lễ, kỷ niệm. Kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Hệ thống giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng toàn ngành giáo dục của tỉnh; kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xếp hạng cao so với các tỉnh, thành phố.

Đề án thành phố thông minh Bình Dương tiếp tục khẳng định chiến lược, tầm nhìn và tiếp tục được ICF vinh danh TOP 7. Tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học trên một số ngành, lĩnh vực.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI. Thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới phát sinh. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng dụng khoa học - công nghệ, cải cách hành chính và thủ tục hành chính trực tuyến, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh. Tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

2. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023

a) Chỉ tiêu về kinh tế

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2022;

- Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 67,00% - 23,09% - 2,49% - 7 ,42%;

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%;

- GRDP bình quân đầu người khoảng 177,1 triệu đồng/năm;

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10%;

[...]