Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2022 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2023

Số hiệu 37/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2022
Ngày có hiệu lực 10/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Võ Văn Bình
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2577/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Xét Tờ trình số 214/TTr-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2023; Báo cáo thẩm tra số 87/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 105/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2023 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh”, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tiến đến đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh; tập trung phát triển các đô thị trung tâm, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh. Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) đạt 7,0 - 7,5%;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 35,9%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,2%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 34,9%;

- GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 - 69,4 triệu đồng;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 45.850 - 46.700 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.288 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 14.110,4 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 830 doanh nghiệp; trong đó, vùng trung tâm đạt 458 doanh nghiệp, vùng phía Tây đạt 273 doanh nghiệp và vùng phía Đông đạt 99 doanh nghiệp.

b) Các chỉ tiêu xã hội:

- Giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, trong đó có 300 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 4%;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 54%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22%;

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) giảm khoảng 0,2% so với năm 2022;

- Phấn đấu có ít nhất 85% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới và tất cả các huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới; có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 02 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới;

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,0%;

- Phấn đấu tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 31%;

[...]