Nghị quyết 303/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 303/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 303/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023;

Thực hiện Kết luận số 638-KL/TU ngày 05 tháng 12 năm 2022 tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đầu tư công;

Xét Báo cáo số 173/BC-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan.

1. Kết quả chủ yếu

Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được khá toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 13,4%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng 63,91%; thương mại, dịch vụ 28,60%; nông nghiệp, thủy sản 7,49%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%; tăng trưởng của ngành xây dựng có bước nhảy vọt đạt 41,52%. Có thêm 02 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; 02 khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch; thành lập mới 09 cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,32%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 61,1%. Xuất khẩu tăng 1,25%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,32%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng 2,5%. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt 230 triệu đồng. Tình hình chăn nuôi, thủy sản phát triển khá ổn định. Có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểm mẫu. Tiếp nhận 77 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký tương đương 212,53 triệu USD và 21.395 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 50.850 tỷ đồng, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 46.500 tỷ đồng, vượt 192% dự toán, tăng 207,7% so với thực hiện năm 2021. Chi ngân sách 16.024,3 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 8.363 tỷ đồng, đạt 88,6% kế hoạch; chi thường xuyên 7.701,3 tỷ đồng, bằng 100% dự toán giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 57.618 tỷ đồng, tăng 45,53% so năm 2021. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tình hình tai nạn giao thông được kiểm soát. Công tác giáo dục y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực: có thêm 05 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 428 trường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 92,6%, 100% xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa 89,7%; tỷ lệ gia đình văn hóa 92,2%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa 92%. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, tạo việc làm mới cho 2,5 vạn lao động. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên.

2. Tồn tại, hạn chế

Sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, giá trị gia tăng trong sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn. Hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch thiếu chuyên nghiệp. Tiến độ thi công một số công trình giao thông còn chậm; vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đạt yêu cầu. Vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên nước còn khó khăn. Ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai vẫn đang diễn ra tại các địa phương. Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho khám chữa bệnh hiện nay khó khăn, tình trạng thiếu thuốc có nguy cơ phổ biến. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Công tác phân luồng, hướng nghiệp từ bậc học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ thấp. Công tác xây dựng nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Việc chuyển đổi cơ chế tự chủ tại nhiều đơn vị sự nghiệp còn khó khăn, vướng mắc. Tình hình an ninh nông thôn diễn biến phức tạp. Vi phạm pháp luật còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Điều 2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023

1. Mục tiêu tổng quát

Quyết liệt thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế

(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 9%;

(2) Giá trị sản xuất: nông nghiệp, thủy sản tăng 2,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,5% (trong đó xây dựng tăng: 20%); thương mại, dịch vụ tăng 9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%.

(3) Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng chiếm 65% - thương mại, dịch vụ chiếm 28% - nông nghiệp, thủy sản chiếm 7%.

(4) Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 112 triệu đồng.

(5) Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 52.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD.

(6) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 63.500 tỷ đồng.

(7) Thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.921 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 18.221 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.700 tỷ đồng.

[...]