Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2014 về Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 23/NQ-HĐND
Ngày ban hành 05/12/2014
Ngày có hiệu lực 05/12/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Phạm Văn Hiểu
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 66/TTr-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 620/BC- HĐND-VHXH ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết

Thứ nhất, Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ huy động số trẻ, số học sinh đúng độ tuổi đến lớp, tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân vẫn còn thấp; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp so với tỷ lệ chung của cả nước.

Thứ hai, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu phòng học ở các cấp học, đặc biệt là thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày; thiếu thiết bị dạy học, thiết bị công nghệ thông tin. Phân bố mạng lưới trường, lớp phổ thông có nơi chưa hợp lý.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, song cơ cấu chưa đồng bộ, năng lực của giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay và đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.

Thứ tư, vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa thành thị và nông thôn cả về điều kiện và chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phổ thông cho học sinh chưa được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giáo dục và đào tạo của thành phố Cần Thơ cần có quy hoạch tổng thể, toàn diện với những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những vấn đề trên đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải xây dựng “Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Cần Thơ, góp phần quan trọng cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; cơ sở hạ tầng, quy mô trường, lớp ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được mở rộng, sắp xếp một cách hợp lý, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đảm bảo có đủ chỗ và tăng tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường, đủ điều kiện cho sự phát triển toàn diện học sinh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tiến tới đội ngũ giáo viên giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có trình độ đại học trở lên; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.

b) Mục tiêu cụ thể

- (1) Giáo dục mầm non

Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trước năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2030, có ít nhất 50% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2015 dưới mức 11,1%, đến năm 2020 dưới mức 8% và đến năm 2030 dưới mức 5%.

- (2) Giáo dục phổ thông

Đến năm 2020, tỷ lệ các trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) thực hiện dạy 02 buổi/ngày là 90%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 80%, tiểu học đạt 90%, trung học cơ sở đạt 80% và trung học phổ thông đạt 60%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 100%, trung học cơ sở là 90% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học. Đến năm 2030, tỷ lệ trường phổ thông thực hiện dạy 02 buổi/ngày là 95%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 90%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 95% và trung học phổ thông đạt 85%; tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đúng độ tuổi là 100%, trung học cơ sở là 95% và trung học phổ thông là 85%; có 90% thanh niên trong độ tuổi có trình độ trung học phổ thông và tương đương.

Năm 2020, 100% trường tiểu học dạy ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo trước năm 2020, học sinh phổ thông được tiếp cận hình thức học tập E-learning; 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện công tác quản lý trường học thông qua mạng Internet, đảm bảo công khai về tài chính, nhân sự và chất lượng giáo dục, tạo kênh liên lạc thường xuyên, hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, giữa nhà trường và cộng đồng; trước năm 2020, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông triển khai giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nghiên cứu, xây dựng mô hình trường học chất lượng cao, trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ để phát triển toàn diện học sinh, thực hiện dân chủ hóa giáo dục, ứng dụng hóa giáo dục, chú ý đến cá biệt hóa giáo dục để phát huy cao nhất năng lực và sở trường của học sinh. Đến năm 2020, có 40% trường phổ thông; đến năm 2030, có 60% trường phổ thông được triển khai mô hình này.

[...]