Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến 2020

Số hiệu 23/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2011
Ngày có hiệu lực 19/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Trần Hồng Châu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVI KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với những đánh giá về tình hình thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được nêu trong Báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

A. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được xây dựng trong điều kiện dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi nên các mục tiêu đề ra khá cao và có tính đột phá.

Thực tế trong 5 năm 2006 - 2010 đã diễn ra không thuận lợi như dự báo: tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn (lạm phát, suy thoái, khủng hoảng tài chính tác động...); thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất và đời sống. Tình hình thế giới cũng có nhiều biến động phức tạp tác động đến trong nước và trong tỉnh. Tuy nhiên nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế – xã hội vẫn đảm bảo quy hoạch đề ra. Các ngành kinh tế - xã hội giữ được ổn định, trong đó có những lĩnh vực tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm 2006 - 2010 vẫn đạt 9,7%. Tổng GDP đạt 16.322 triệu đồng (Giá 1994), đạt 90% mục tiêu quy hoạch. GDP bình quân giá hiện hành đạt 14,19 triệu đồng/người/năm (5,94 triệu đồng giá 1994/MT QH 5,7 - 6 triệu). Trong đó: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 5 năm đạt trên 5,12%(MT quy hoạch 5,3 - 5,5%); công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 5 năm đạt 15,28% (MT quy hoạch 17 - 18%); dịch vụ tăng bình quân hàng năm đạt 11,3%(MT quy hoạch 11 - 12%).

Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 34,41% năm 2005 xuống còn 28,35%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,70%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 37,95% năm 2010.

Thu ngân sách hàng năm tăng khá, năm 2010 đạt 6.199,8 tỷ đồng (5.078,6 tỷ đồng không tính ghi thu ghi chi và các khoản không cân đối) (MT quy hoạch 5.000 - 5.500 tỷ đồng) tăng hơn 3 lần so với đầu nhiệm kỳ, đạt tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 25%/năm. Chi ngân sách đã có nhiều cố gắng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, tăng dần chi tích luỹ cho đầu tư phát triển, giảm mạnh những khoản chi mang tính bao cấp trong ngân sách.

Những năm qua kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, bộ mặt đô thị và nông thôn được thay đổi nhanh chóng, nhất là vùng miền núi đảm bảo theo quy hoạch.

Nhiều công trình giao thông đã cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp nên năng lực tưới tiêu được tăng lên đáng kể. Hệ thống phân phối điện được quan tâm đầu tư, đến nay 20/20 huyện đã có điện lưới quốc gia đi qua. Hệ thống bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư như trường học, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí.

Hệ thống đô thị được phát triển khá tạo động lực cho các huyện, vùng (Vinh được công nhận đô thị loại I, thị xã Cửa Lò được công nhận đô thị loại III, thành lập mới thị xã Thái Hoà; chuẩn bị thành lập thị xã Hoàng Mai; 8 khu công nghiệp, khu kinh tế Đông Nam đã và đang được đầu tư; đang thành lập khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ.

Một số lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cải cách hành chính có tiến bộ, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, văn hoá thông tin, thể dục thể thao đạt kết quả tốt, đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện, chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh cũng như sự quyết tâm và cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Tuy vậy, việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 còn có một số hạn chế: Công tác quy hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác dự báo yếu ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch, tính khả thi và thực tiễn trong thời gian qua phải điều chỉnh, bổ sung nhiều; tầm nhìn một số quy hoạch chưa đủ dài; tổ chức công bố, triển khai và quản lý quy hoạch ở một số địa phương thực hiện chưa nghiêm, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng tham mưu yếu; một số chỉ tiêu đặt ra quá cao vượt quá khả năng cân đối nguồn lực; việc thực hiện các giải pháp đồng bộ triển khai quy hoạch chưa thực sự hiệu quả, nhất là giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực, đầu tư dàn trải với số lượng dự án kéo dài quá lớn.

B. NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức điều hành, quản lý của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2011 - 2020, đạt mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015.

2. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tập trung cho các chương trình, đề án trọng điểm của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã xác định: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao; đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ; đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây thời kỳ 2010 - 2020.

3. Phát triển nhanh gắn với nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ: du lịch, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh (công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí...). Xây dựng một nền nông - lâm nghiệp - thuỷ sản phát triển đa dạng gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

4. Mở rộng dân chủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp; đảm bảo đạt đồng thời 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

5. Coi trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, và tỉnh khá của cả nước vào năm 2020; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Xây dựng Nghệ An trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc xứ Nghệ; có nền quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

[...]