Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết số 19-CP về chấn chỉnh tổ chức sản xuất, đưa quản lý kinh tế vào nền nếp và cải tiến một bước, tạo điều kiện và đòi hỏi mỗi xí nghiệp, mỗi người lao động thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước năm 1976 do Hội đồng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 19-CP
Ngày ban hành 29/01/1976
Ngày có hiệu lực 13/02/1976
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Nguyễn Duy Trinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-CP

Hà nội, ngày 29 tháng 01 năm 1976 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC SẢN XUẤT, ĐƯA QUẢN LÝ KINH TẾ VÀO NỀN NẾP VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC, TẠO ĐIỀU KIỆN VÀ ĐÒI HỎI MỖI XÍ NGHIỆP, MỖI NGƯỜI LAO ĐỘNG THỰC HIỆN TỐT KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976

I

Năm 1976 cả nước bước vào kế hoạch 5 năm 1976-1980 với những nhiệm vụ mới, phải đáp ứng những yêu cầu to lớn và phức tạp hơn trước nhiều.

Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi nhanh chóng đưa quản lý kinh tế vào nền nếp và cải tiến một bước, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước năm 1976. Sự chuyển biến tốt phải thể hiện ngay trong những tháng đầu năm, cả bộ máy quản lý chuyển đồng bộ và thông suốt.

Theo nghị quyết của Hội nghị lần thứ 20 và lần thứ 22 của trung ương Đảng, phương hướng cơ bản của việc giải quyết cải tiến quản lý kinh tế là:

- Về tổ chức sản xuất: Phải xóa bỏ sự phân tán, không đồng bộ, mất cân đối trong tổ chức sản xuất, xây dựng cơ cấu tổ chức mới của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

- Về cơ chế quản lý: Phải xóa bỏ lối hành chính cung cấp, thực hiện phương thức quản lý xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch Nhà nước làm trung tâm, thực sự thi hành chế độ hạch toán kinh tế.

- Về tổ chức quản lý: Phải tẩy trừ bệnh quan liêu, cửa quyền, khắc phục tình trạng kém kỷ luật, kém trách nhiệm, xây dựng bộ máy quản lý và chế độ công tác của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. 

Thực hiện phương hướng trên đây, trong năm 1976 phải đưa quản lý kinh tế vào nền nếp và có cải tiến một bước, đồng thời phải nghiên cứu, làm thử, tạo điều kiện để xây dựng từng bước hệ thống quản lý kinh tế mới.

Trước mắt, phải tiến hành những việc rất thiết thực, vừa cấp bách, vừa cơ bản, dồn sức của toàn bộ máy quản lý của cơ sở mà phát hiện và giải quyết các vấn đề ở các cấp trên, để rồi lại trở về phục vụ tốt cho cơ sở.

Những vấn đề  phải giải quyết là:

Đối với xí nghiệp và người lao động:

1. Chấn chỉnh tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cân đối giữa nhiệm vụ kế hoạch với những phương tiện vật chất và kỹ thuật của xí nghiệp;

2. Chấn chỉnh tổ chức lao động, cung cấp kỹ thuật lao động và đòi hỏi người lao động làm việc có năng suất cao hơn;

3. Cải thiện một bước đời sống của người lao động; thực hiện thù lao công bằng, hợp lý theo nguyên tắc phân phối theo lao động;

4. Mở rộng quyền chủ động của xí nghiệp trong sản xuất và kinh doanh. Phát triển các quan hệ trực tiếp giữa các xí nghiệp.

Đối với bộ máy quản lý các ngành, các cấp:

1. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thủ trưởng, chế độ trách nhiệm cá nhân, tăng cường kỷ luật Nhà nước, chống quan liêu giấy tờ, thủ tục rườm rà, phiền phức, xa quần chúng, thoát ly cơ sở. Hướng mọi hoạt động về cơ sở, thiết thực phục vụ cho cơ sở và cho người lao động. Phát huy hợp tác xã hội chủ nghĩa, khắc phục bệnh bản vị, cục bộ.

2. Giải quyết một bước vấn đề cán bộ, sắp xếp lại một số cán bộ không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ, mở lớp bồi dưỡng về quản lý kinh tế cho cán bộ. Qua việc phục vụ các đơn vị cơ sở mà thử thách và chọn lọc cán bộ tốt.

II

Để thực hiện những yêu cầu trên, Hội đồng Chính phủ quyết định những việc cần làm trong năm 1976 như sau:

A. TẠO ĐIỀU KIỆN CHO XÍ NGHIỆP VÀ ĐÒI HỎI XÍ NGHIỆP HOÀN THÀNH TỐT KẾ HOẠCH.

1. Cung ứng và vận chuyển vật tư.

a) Công việc của  các cấp trên của xí nghiệp:

- Thi hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung ứng vật tư cho các xí nghiệp, như: chỉ đạo tổ chức cung ứng, các xí nghiệp nắm lại lực lượng tồn kho hiện nay; thông báo kịp thời cho các xí nghiệp biết số vật tư ứ đọng; quyết định điều vật tư từ nơi thừa sang nơi thiếu; đôn đốc việc nhập vật tư; đẩy mạnh thu mua vật tư trong nước. Trước mắt, phải báo ngay cho xí nghiệp biết số vật tư chắc có để xí nghiệp xây dựng kế hoạch quý I vững chắc.

- Trong hợp đồng cung ứng vật tư phải có điều khoản về vật tư, cơ quan vận tải ký trong hợp đồng bên cạnh cơ quan cung ứng vật tư. Chấm dứt việc buộc xí nghiệp mua vật tư phải tự lo vận chuyển và đi xa chở vật tư về. Bộ Giao thông vận tải và các tổ chức vận tải phải bảo đảm cung ứng vật tư đến tận xí nghiệp hoặc đến khu vực gần nhất do xí nghiệp yêu cầu, trước hết đối với những vật tư chính, trên những trục đường chính.

Nói chung về công tác cung ứng vật tư (ký hợp đồng giao nhận, bốc dỡ, thanh toán cước phí, v.v…) phải thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị số 124-TTg nagỳ 3-5-1972 của Thủ tướng Chính phủ.

[...]