Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 124-TTg năm 1972 về quản lý cung ứng vật tư kỹ thuật cho xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 124-TTg
Ngày ban hành 03/05/1972
Ngày có hiệu lực 18/05/1972
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 124-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 1972 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ CUNG ỨNG VẬT TƯ KỸ THUẬT CHO XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH

Để thực hiện chủ trương cải tiến quản lý công nghiệp, quản lý xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, việc cải tiến công tác cung ứng vật tư kỹ thuật là nhiệm vụ rất quan trọng, phải được tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ với các mặt cải tiến quản lý khác như kế hoạch hóa, tài chính, tổ chức v.v...
Quản lý cung ứng vật tư kỹ thuật cho xí nghiệp công nghiệp quốc doanh bao gồm việc cung ứng cho xí nghiệp và việc quản lý vật tư trong nội bộ xí nghiệp. Hai mặt này kết hợp chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, nhằm thực hiện cung ứng vật tư một cách ổn định, thuận tiện cho sản xuất, tạo điều kiện cho xí nghiệp chủ động trong sản xuất và kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật chất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Căn cứ vào phương hướng và yêu cầu cải tiến quản lý công nghiệp và cải tiến quản lý xí nghiệp hiện nay, phương hướng cải tiến quản lý cung ứng vật tư (kể cả phần do Bộ Vật tư phụ trách cũng như những vật tư chuyên dùng và thông dụng do các Bộ, Tổng cục khác chịu trách nhiệm) phải bảo đảm thực hiện được những điều sau đây:
1. Nguyên tắc quản lý, cung ứng vật tư:

a) Quán triệt nguyên tắc thống nhất quản lý vật tư của Nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền tự chịu trách nhiệm về vật tư của xí nghiệp theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước. Nâng cao trách nhiệm cung ứng vật tư, đi đôi với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra sử dụng vật tư đạt hiệu quả kinh tế cao.

b) Kết hợp chặt chẽ giữa việc phấn đấu thực hiện kế hoạch Nhà nước với việc vận dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong công tác quản lý cung ứng vật tư.

c) Cung ứng vật tư trực tiếp và ổn định giữa xí nghiệp và cơ quan cung ứng với hợp đồng kinh tế và chế độ trách nhiệm vật chất rõ ràng.

d) Bảo đảm cung ứng vật tư cho xí nghiệp theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Khi đã có chỉ tiêu kế hoạch vật tư thì cơ quan cung ứng vật tư phải bảo đảm cung ứng đủ vật tư cho xí nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch và chịu trách nhiệm trước xí nghiệp và trước cấp trên của mình về việc thực hiện nhiệm vụ ấy. Mặt khác, xí nghiệp chịu trách nhiệm trước cơ quan cung ứng vật tư và trước cấp trên của mình về việc sử dụng đúng đắn những vật tư được cấp và phải bảo đảm hoàn thành đầy đủ kế hoạch sản xuất đã được giao.

2. Kế hoạch vật tư.

a) Trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch vật tư đã được phân bổ, xí nghiệp làm dự trù về nhu cầu vật tư đến quy cách, cỡ loại cụ thể theo đúng mẫu biểu, thời gian quy định và gửi thẳng cho Công ty Vật tư được giao trách nhiệm cung ứng cho mình.

b) Cùng với dự trù vật tư, xí nghiệp báo cáo cho Công ty Vật tư tình hình tồn kho vật tư của mình (những loại vật tư do Công ty chịu trách nhiệm cung ứng).

c) Xí nghiệp thông báo hệ thống định mức tiêu hao vật tư của mình đã được Bộ chủ quản thông qua cho Công ty Vật tư để làm căn cứ cho việc tính toán nhu cầu, kiểm tra sử dụng. Đối với những định mức chưa được chính thức ban hành, thì xí nghiệp cũng thông báo cho công ty vật tư, đồng thời xúc tiến trình Bộ chủ quản xét duyệt trong năm kế hoạch.

d) Công ty Vật tư phải cân đối cụ thể đến quy cách, cỡ loại rồi trao đổi với xí nghiệp để xác nhận phần vật tư Công ty nhận cung ứng, và đề xuất những trường hợp cần thay thế. Nếu 2 bên không thoả thuận được với nhau thì phải báo cáo Bộ chủ quản quyết định sau khi tham khảo ý kiến Bộ Vật tư. Kết quả thỏa thuận đó là nội dung hợp đồng kinh tế ký kết trực tiếp giữa Công ty Vật tư và xí nghiệp. Việc cung ứng tiền hành theo hợp đồng.

3. Dự trữ vật tư.

a) Cơ quan cung ứng chịu trách nhiệm chính về dự trữ vật tư bảo đảm cho sản xuất; xí nghiệp chỉ dự trữ một số vật tư vừa đủ để sản xuất liên tục; Bộ chủ quản (và Ủy ban hành chính tỉnh) không dự trữ vật tư thông dụng.

b) Công ty Vật tư và xí nghiệp trao đổi với nhau (với sự tham gia của cơ quan tài chính ngân hàng) để quy định cụ thể mức dự trữ cần thiết ở xí nghiệp đối với từng loại vật tư chủ yếu. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì phải báo cáo Bộ chủ quản quyết định, sau khi tham khảo ý kiến Bộ Vật tư, định mức dự trữ này dùng làm căn cứ để xí nghiệp tính toán nhu cầu vật tư, vốn lưu động… và để Công ty Vật tư chủ động tính toán chu kỳ cung ứng hợp lý nhất cho xí nghiệp. Định mức này cũng được thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính, ngân hàng để kiểm tra, giám sát.

4. Hợp đồng cung ứng vật tư.

a) Khi có kế hoạch vật tư của Nhà nước, xí nghiệp và Công ty Vật tư phải ký hợp đồng cung ứng với nhau trong thời hạn quy định, không bên nào được từ chối ký hợp đồng. Nội dung hợp đồng phải quy định cụ thể: số lượng và quy cách từng loại vật tư theo đơn hàng 2 bên đã thỏa thuận, thời hạn và địa điểm giao hàng, giá cả, thưởng phạt, v.v…

b) Đối với một số loại vật tư có nhu cầu ổn định, 2 bên có thể ký hợp đồng dài hạn (2, 3, 5 năm) để xí nghiệp yên tâm sản xuất và cơ quan cung ứng vật tư ổn định nguồn hàng. Trong phạm vi hợp đồng dài hạn đã đăng ký hàng năm, 2 bên trao đổi cụ thể để thỏa thuận về phần thực hiện trong năm ấy.

c) Hai bên có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng, và phải chịu trách nhiệm vật chất với nhau nếu vi phạm các điều khoản đã ký kết. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, khi thật cần thiết 2 bên có thể thương lượng với nhau để bổ sung, điều chỉnh hợp đồng.

5. Tiêu thụ sản phẩm vật tư kỹ thuật của các xí nghiệp chế tạo cơ khí.

a) Phải bảo đảm cân đối giữa kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm:

Cơ quan, cung ứng vật tư cùng với xí nghiệp và ngành chủ quản tổ chức nắm nhu cầu thị trường, trao đổi thống nhất với nhau về số lượng, chủng loại, quy cách những vật tư kỹ thuật cần sản xuất để đề nghị Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ghi vào chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trình Hội đồng Chính phủ.

Cơ quan cung ứng một mặt ký hợp đồng cung ứng với các đơn vị có nhu cầu, một mặt ký hợp đồng tiêu thụ với xí nghiệp sản xuất.

b) Việc tiêu thụ và phân phối các thiết bị sản xuất trong nước có thể thực hiện theo 2 phương thức:

- Phân phối trực tiếp từ xí nghiệp sản xuất đến đơn vị sử dụng; cơ quan cung ứng vật tư chỉ quản lý kế hoạch, làm nhiệm vụ điều hòa, phân phối và giới thiệu các xí nghiệp có nhu cầu với xí nghiệp sản xuất để 2 bên trực tiếp ký kết hợp đồng, giao nhận và thanh toán với nhau.

- Phân phối qua kho của cơ quan cung ứng vật tư, đơn vị sử dụng nhận hàng và thanh toán với cơ quan này. Phần này chủ yếu là để cung ứng cho những đơn vị sử dụng không có điều kiện trực tiếp với xí nghiệp sản xuất và để cơ quan cung ứng vật tư dự trữ cho kỳ kế hoạch sau. Hàng có thể đưa về kho cơ quan cung ứng vật tư hoặc có thể gửi tại kho xí nghiệp, coi như cơ quan cung ứng đã nhận và thanh toán tiền hàng, gửi lại xí nghiệp giữ và xuất theo yêu cầu của cơ quan vật tư, cơ quan vật tư chịu chi phí bảo quản. Đối với phần kinh doanh này của cơ quan cung ứng vật tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng có trách nhiệm cấp và cho vay vốn theo chế độ.

c) Đối với phụ tùng thông dụng, dụng cụ cơ khí sản xuất trong nước thì cơ quan vật tư đặt hàng và thu mua toàn bộ rồi tổ chức phân phối cho các nhu cầu. Đối với dụng cụ phụ tùng chuyên dụng, xí nghiệp sản xuất trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng.

[...]