HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2013/NQ-HĐND
|
Đắk Nông, ngày 19
tháng 07 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH VÀ NHÀ VỆ SINH TẠI
CÁC TRƯỜNG HỌC MẦM NON, TRƯỜNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP Ở TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN
2013 – 2016.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch
và vệ sinh nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch
và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
04/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT, ngày 16/01/2013 của liên Bộ, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; về việc hướng dẫn chế
độ quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc
gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số: 2282/TTr-UBND ngày
31/5/2013 của UBND tỉnh Đắk Nông “Về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án
triển khai xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường
học mầm non, trường học phổ thông công lập ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2013 –
2020”; Báo cáo thẩm tra số: 21/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2013 của Ban Văn hóa
– Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án triển khai xây dựng công trình nước sạch và
nhà vệ sinh tại các trường học mầm non, trường học phổ thông công lập ở tỉnh Đắk
Nông giai đoạn 2013 – 2016 (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện
Nghị quyết và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện.
2. Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại
biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội
đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk
Nông khóa II, kỳ họp thứ 7 thông qua./.
ĐỀ ÁN
TRIỂN
KHAI XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH VÀ NHÀ VỆ SINH TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC MẦM NON,
TRƯỜNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2013 – 2016
(Kèm theo Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Đắk Nông)
Phần 1.
CƠ SỞ PHÁP LÝ, THỰC TRẠNG
VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án
Các căn cứ pháp lý thực hiện Đề án “Triển khai xây
dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại các trường học mầm non, trường học
phổ thông công lập ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2013 – 2016”:
- Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ
sinh nông thôn đến năm 2020;
- Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày
28/4/2011 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Y tế về việc quy định các nội
dung đánh giá công tác y tế tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học
phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015;
- Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân;
- Thông tư liên tịch số:
04/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/01/2013 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn chế độ
quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu Quốc
gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015.
II. Thực trạng công trình nước sạch
và nhà vệ sinh tại các trường học mầm non, trường học phổ thông công lập ở tỉnh
Đắk Nông
1. Khái quát chung về tỉnh Đắk Nông
Đắk Nông là một tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên,
phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lăk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng,
phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp nước Campuchia. Diện tích tự nhiên
6.514,38 km2, dân số 521.614 người; có 40 dân tộc cùng sinh sống,
trong đó, dân tộc thiểu số khoảng 163.665 người, chiếm tỷ lệ 31,37% so với tổng
dân số toàn tỉnh. Dân tộc thiểu số tại chỗ có 53.935 người gồm các dân tộc:
M’Nông, Mạ, Ê đê chiếm 10,33% dân số toàn tỉnh.
Về đơn vị hành chính của tỉnh có 07 huyện, 01 thị
xã và 71 xã, phường, thị trấn; có 777 thôn, bon, buôn, tổ dân phố, trong đó, có
133 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; 77 thôn, bon, buôn thuộc 7 xã
biên giới của 4 huyện giáp tỉnh Muldulkiri nước Campuchia với tổng chiều dài đường
biên giới là 130 km. Phân chia theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội: Tỉnh
Đắk Nông có 62/71 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn chiếm 88,73%; 21
xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 28 thôn, bon đặc biệt khó khăn ở các xã khó
khăn được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II.
Nền kinh tế của tỉnh Đắk Nông chủ yếu dựa vào nông
nghiệp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 23,25%, thu nhập GDP bình quân 778,8 USD/ người,
ước đạt tỷ lệ 65% so với mặt bằng thu nhập chung cả nước.
Đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 340 trường
học; trong đó, 89 trường mầm non, 140 trường tiểu học và 83 trường trung học cơ
sở (THCS) (bao gồm 05 trường DTNT); 22 trường trung học phổ thông (THPT) (bao gồm
02 trường DTNT cấp THPT), 06 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng các trường
công lập 327 trường, trong đó mầm non 77 trường, tiểu học 139 trường, THCS 83
trường, 22 trường THPT và 6 trung tâm giáo dục thường xuyên.
2. Khái quát chung về nước sạch và nhà vệ sinh các
trường mầm non, trường học phổ thông ở tỉnh Đắk Nông
Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trong thời
gian qua tỉnh Đắk Nông chủ yếu tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các trường học
thông qua sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và các Dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo
quản lý, các công trình chỉ mới đầu tư phòng học và phòng học bộ môn. Từ năm
2004 đến nay các trường học tại tỉnh phần lớn mới chỉ tập trung đầu tư xoá tình
trạng học ca ba, tranh tre nứa lá và đầu tư chủ yếu phòng học, các công trình
nước sạch và nhà vệ sinh chưa được quan tâm đúng mức và việc đầu tư thiếu đồng
bộ.
a) Thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường các
trường công lập:
* Nước sạch: Tổng số trường: 327 trường, tổng số điểm
trường (điểm chính và điểm lẻ) 639 điểm trường.
- Tổng số điểm trường có công trình nước 303 điểm.
Trong đó, công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước 213 điểm trường; công
trình thuộc xã khó khăn 25 điểm trường; số công trình còn lại 65 điểm trường.
- Công trình xây dựng có nước sạch đảm bảo 214 công
trình: Trong đó công trình từ năm 2006 trở về trước 155 điểm trường; công trình
thuộc xã khó khăn 21 điểm trường; số công trình còn lại 38 điểm trường.
- Tổng số điểm trường có công trình nước nhưng
không đảm bảo 89 điểm trường. Trong đó, công trình xây dựng từ năm 2006 trở về
trước 48 điểm trường; công trình thuộc xã khó khăn 16 điểm trường; số công
trình còn lại 25 điểm trường.
- Tổng số điểm trường chưa có công trình nước 336
điểm trường (gồm cả điểm chính và điểm lẻ). Trong đó, công trình xây dựng từ
năm 2006 trở về trước 34 điểm trường; công trình thuộc xã khó khăn 93 điểm trường;
số công trình còn lại 209 điểm trường.
* Nhà vệ sinh:
- Tổng số trường, điểm trường (điểm chính, điểm lẻ)
639 điểm trường. Trong đó, trường được xây dựng từ năm 2006 trở về trước 253 điểm
trường; trường, điểm trường thuộc vùng khó khăn (đã trừ các trường trùng với
trường xây dựng từ năm 2006 trở về trước): 141 điểm trường; số trường còn lại
(điểm lẻ trước năm 2006 và không thuộc vùng khó khăn, các điểm trường thuận lợi
sau năm 2006) là 245 điểm trường.
- Tổng số điểm trường có công trình vệ sinh 331. Tổng
số điểm trường có công trình vệ sinh đảm bảo 147 (tương đương 9.989 m²). Trong
đó, công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước 75 điểm trường; công trình thuộc
xã khó khăn 16 điểm trường; số công trình còn lại 56 điểm trường.
Tổng số điểm trường có nhà vệ sinh nhưng không đảm
bảo 184 điểm trường (tương đương 1.019 m²). Trong đó, công trình xây dựng từ
năm 2006 trở về trước 17 điểm trường; công trình thuộc xã khó khăn 8 điểm trường;
số công trình còn lại 159 điểm trường.
- Tổng số điểm trường chưa có công trình vệ sinh
308 điểm trường (tương đương 10.213 m²). Trong đó, công trình xây dựng từ năm
2006 trở về trước 41 điểm trường; công trình thuộc xã khó khăn 114 điểm trường;
số công trình còn lại 163 điểm trường.
b) Đánh giá:
* Mặt mạnh:
- Các địa phương đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực
để xây dựng các công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho trường học; đến nay đã
có 33,5% điểm trường có công trình nước sạch, 47,1% khối lượng nhà vệ sinh bảo
đảm đúng quy định; các công trình này đã được sử dụng và phát huy hiệu quả
trong việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
- Việc đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình
nước sạch và nhà vệ sinh đã hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình giáo dục vệ
sinh, giáo dục thể chất, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện kỹ năng, hình
thành thói quen vệ sinh cá nhân góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
- Nhiều trường học đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn
xã hội hoá để duy trì hoạt động và duy tu, bảo dưỡng nên thời gian sử dụng các
công trình được nâng cao.
* Mặt yếu:
- Phần lớn các trường học ở tỉnh Đắk Nông chưa có
hoặc có nhưng không bảo đảm quy định: Về nước sạch 66,5 % điểm trường; 52,9% khối
lượng nhà vệ sinh; đây là một trở ngại rất lớn trong việc chăm sóc và giáo dục
học sinh ở các cấp bậc học, đặc biệt giáo dục mầm non và tiểu học.
- Hầu hết các công trình nước sạch và nhà vệ sinh
được xây dựng chỉ bằng nguồn vốn xã hội hoá nên không đảm bảo cả về quy mô và
các thông số kỹ thuật, không có nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng dẫn đến công
trình sử dụng nhanh xuống cấp không đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho học
sinh hiện nay.
Vì vậy, cần lập Đề án để kết hợp nhiều nguồn vốn đầu
tư xây dựng đồng bộ công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho các trường học; có
cơ chế quản lý sử dụng để phát huy hiệu quả của công trình, góp phần nâng cao
chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
III. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Thực trạng không đồng bộ về cơ sở vật chất nước sạch
và vệ sinh trong các trường học mầm non, phổ thông đã ảnh hưởng rất lớn đến
giáo dục kỹ năng sống và quá trình phát triển nhân cách của học sinh. Để nâng
cao chất lượng giáo dục thì việc khắc phục thực trạng trên là một giải pháp
quan trọng. Ngày 31/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
366/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015”, trong đó, mục tiêu đến năm
2015 có 100% điểm chính trường mầm non, phổ thông vùng nông thôn (xây dựng từ
năm 2006 về trước) có nước sạch, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, ở tỉnh Đắk Nông nhiều
trường học được xây dựng sau năm 2006 nhưng công trình nước sạch và nhà vệ sinh
không đảm bảo do điều kiện ngân sách của tỉnh đầu tư còn hạn chế, nguồn vốn đầu
tư trực tiếp của chương trình có giới hạn.
Trước thực tế trên, cần thiết ban hành Nghị quyết
thực hiện “Đề án triển khai xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại
các trường học mầm non, trường học phổ thông công lập ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn
2013 – 2016”, qua đó huy động toàn xã hội chung tay thực hiện thắng lợi Chương
trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa
bàn tỉnh.
Phần 2.
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Giáo dục nâng cao hiểu biết, kỹ năng sử dụng nước
và vệ sinh cá nhân, cộng đồng, làm thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm
môi trường, góp phần nâng cao sức khoẻ và chất lượng giáo dục cho học sinh các
trường mầm non, trường phổ thông.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2016
- 100% các trường học mầm non, trường học phổ thông
công lập có đủ nước sạch và nhà vệ sinh.
- 100% học sinh mầm non, tiểu học được giáo dục kỹ
năng sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.
- 100% học sinh THCS, THPT tham gia hoạt động bảo vệ
nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường ở địa phương.
II. Các nhiệm vụ và giải pháp
1. Tổ chức truyền thông, giáo dục kỹ năng sử dụng
nước sạch và vệ sinh môi trường cho học sinh, Với các giải pháp sau:
- Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán về truyền
thông, giáo dục kỹ năng sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Mỗi năm tổ chức
tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác
truyền thông và đánh giá hiệu quả đạt được; tổng kết rút ra các bài học kinh
nghiệm trong công tác truyền thông.
- Tích hợp, lồng ghép nội dung về sử dụng nước sạch
và vệ sinh môi trường trong chương trình giảng dạy; tổ chức theo chuyên đề
trong hoạt động ngoài giờ lên lớp. Sử dụng kinh phí thường xuyên và kinh phí lồng
ghép trong các chương trình, chuyên đề để nâng cao hiệu quả về truyền thông,
giáo dục cho học sinh về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.
- Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động cộng
đồng về bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ công trình vệ sinh tập trung tại trường
đang học và tại địa phương; mỗi huyện, thị xã tổ chức 02 đợt/năm.
2. Xây dựng đủ công trình nước sạch và nhà vệ sinh
Ưu tiên đầu tư xây dựng các điểm trường chính và
các điểm trường xây dựng trước năm 2006, sau đó tiếp tục đầu tư xây dựng điểm lẻ
có số học sinh đông.
a) Công trình nước sạch:
- Xây mới công trình nước sạch: xây dựng 336 công
trình, trong đó:
+ Công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước 34
công trình;
+ Công trình thuộc xã khó khăn 93 công trình;
+ Số công trình còn lại 209 công trình.
- Duy tu, sửa chữa công trình nước sạch hiện có:
Duy tu, sửa chữa 89 công trình, trong đó:
+ Công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước 48
công trình;
+ Công trình thuộc xã khó khăn 16 công trình;
+ Số công trình còn lại 25 công trình. b) Công
trình nhà vệ sinh:
- Xây dựng mới công trình nhà vệ sinh: Xây mới nhà
vệ sinh cho học sinh, giáo viên: 10.213 m2. Trong đó:
+ Công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước
4.058 m2;
+ Công trình thuộc xã khó khăn 2.418 m2;
+ Số công trình còn lại: 3.737 m2.
- Duy tu, cải tạo nhà vệ sinh: Duy tu, cải tạo nhà
vệ sinh cho học sinh, giáo viên 1.019 m2. Trong đó:
+ Công trình xây dựng từ năm 2006 trở về trước 448
m2;
+ Công trình thuộc xã khó khăn 126 m2;
+ Số công trình còn lại 445 m2.
c) Tổng kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí đầu tư cho cả giai đoạn là: 176.622
triệu đồng. Trong đó: Kinh phí thực hiện đề án là 172.722 triệu đồng, kinh phí
vốn sự nghiệp giáo dục là 3.900 triệu đồng.
Giao cho UBND quy định cụ thể giá xây dựng và sửa
chữa các công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho phù hợp với tình hình thực tế
của từng thời điểm, địa điểm.
3. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực triển
khai xây dựng các công trình nước sạch và nhà vệ sinh các trường học, với các
giải pháp sau:
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ,
nhân dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh; tạo sự đồng
thuận, sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội và nhân dân đối
với việc triển khai Đề án.
- Phối hợp với nhà trường chăm lo, nhắc nhở học
sinh thực hành các kỹ năng sử dụng nước sạch, vệ sinh cá nhân.
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động học sinh
THCS, THPT tích cực tham gia các phong trào bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ vệ
sinh môi trường ở địa phương.
- Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tham gia
vào chương trình đảm bảo vệ sinh nước sạch và nhà vệ sinh cho các trường học ở
tất cả các cấp học.
4. Thực hiện cơ chế quản lý, vận hành các công
trình nước sạch, nhà vệ sinh trường học
a) Cơ chế quản lý đầu tư (xây dựng ban đầu và duy
tu, bảo dưỡng):
- Lãnh đạo nhà trường là chủ đầu tư. Trường hợp nhà
trường không đủ năng lực thực hiện giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các
cơ sở giáo dục trực thuộc Sở quản lý), giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối
với các trường mầm non, phổ thông thuộc Phòng quản lý).
- Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, tổ chức lấy ý kiến
tham gia của cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh về kế hoạch đầu tư hoặc báo
cáo kinh tế kỹ thuật của công trình nước sạch và nhà vệ sinh.
- Lựa chọn nhà thầu: Phải tổ chức lựa chọn nhà thầu
có kinh nghiệm trong việc thiết kế, giám sát triển khai tổ chức thi công để
công trình đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt.
- Tổ chức kiểm tra giám sát: Nhà trường thành lập
Ban kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng
và vận hành công trình sao cho hiệu quả.
b) Cơ chế quản lý vận hành:
- Bố trí nhân viên vận hành: Nhà trường cử cán bộ,
nhân viên chuyên trách quản lý và vận hành các hạng mục đã được đầu tư, khai
thác có hiệu quả.
- Hàng năm kiểm tra đánh giá hiệu quả các công
trình đã được đầu tư; đồng thời có ý kiến để khắc phục những tồn tại nhằm phát
huy hiệu quả các công trình.
c) Cơ chế huy động vốn:
- Nguồn vốn đầu tư phát triển:
* Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia:
27.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước
sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 4.000 triệu đồng /năm x 3 năm = 12.000 triệu
đồng.
- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo
dục và đào tạo: 5.000 triệu đồng /năm x 3 năm = 15.000 triệu đồng.
* Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương:
96.000 triệu đồng.
- Vốn đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học,
THCS theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND, ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh 3.000 triệu
đồng/năm/ huyện x 8 huyện x 3 năm = 72.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm để thực hiện đầu
tư cho giáo dục và đào tạo 8.000 triệu đồng/năm x 3 năm = 24.000 triệu đồng.
* Nguồn vốn huy động trong xã hội: 49.722 triệu đồng.
Nguồn vốn huy động được thực hiện bằng việc huy động
tài trợ, đóng góp tự nguyện từ các tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh
theo quy định của pháp luật.
- Nguồn vốn sự nghiệp: Tổng nguồn vốn: 3.900 triệu
đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi cho việc bồi dưỡng nâng cao năng lực của
giáo viên, cán bộ truyền thông, các hoạt động ngoại khoá liên quan đến chương
trình vệ sinh, nước sạch.
d) Chỉ đạo huy động vốn: Giao cho UBND tỉnh chỉ đạo
triển khai cụ thể việc cân đối, bố trí các nguồn vốn nêu trên.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện Nghị Quyết này và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực
hiện.