Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIII, kỳ họp thứ 19 ban hành

Số hiệu 17/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2009
Ngày có hiệu lực 21/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 17/2009/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 11tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ CHI TIẾT CỦA TỪNG TUYẾN SÔNG CÓ ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI CHÍN

(Từ ngày 08/12/2009 đến ngày 11/12/2009)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình;
Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ văn bản số 3963/BNN-ĐĐ ngày 03/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thỏa thuận quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 27/11/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và báo cáo giải trình số 183/BC-UBND ngày 07/12/2009 của UBND Thành phố; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 được nêu tại Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 27/11/2009 và báo cáo giải trình số 183/BC-UBND ngày 07/12/2009 của UBND Thành phố với những nội dung chủ yếu sau:

1.Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch

Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, bao gồm các quận, huyện, thị xã:

1.1. Các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên và Hà Đông .

1.2. Các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây.

Các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội được nghiên cứu trong quy hoạch gồm sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy và sông Mỹ Hà.

2.Mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch

2.1. Xác định lưu lượng, mực nước lũ thiết kế tại các điểm chuẩn, xác định chỉ giới thoát lũ, giải pháp thực hiện quy hoạch đối với từng tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội.

2.2. Đánh giá khả năng phân lũ từ sông Đà qua Lương Phú vào sông Tích và khu chậm lũ Quảng Oai. Đánh giá khả năng phân lũ của hệ thống công trình phân lũ sông Đáy và đưa ra các giải pháp phòng chống lũ khi có phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy, làm cơ sở kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 về Quy chế phân, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng bảo vệ an toàn thủ đô Hà Nội cho phù hợp với thực tế.

2.3. Kết quả của quy hoạch là cơ sở để lập Quy hoạch đê điều, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng và các Quy hoạch khác liên quan của các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2.4. Sắp xếp, tổ chức lại dân cư vùng bãi sông đảm bảo an toàn, ổn định; chống lấn chiến lòng sông, bãi sông; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật vùng ven sông đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái, đồng bộ với phát triển đô thị của Thành phố.

2.5. Khai thác vùng bãi ven sông, làm sống lại các dòng sông, cải thiện môi trường nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

3. Nội dung và giải pháp quy hoạch

3.1. Phân vùng quy hoạch: Toàn thành phố Hà Nội được phân làm 8 vùng bảo vệ như sau:

a) Vùng hữu Hồng gồm: Quận Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, huyện Từ Liêm. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 25.800 ha.

b) Vùng hữu Hồng - hữu Đáy - tả Tích gồm: diện tích trong lưu vực của các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 56.400 ha.

c) Vùng hữu Hồng - tả Đáy gồm: quận Hà Đông và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên và Ứng Hòa. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 81.300 ha.

d) Vùng tả Hồng - hữu Đuống gồm: quận Long Biên và phần diện tích nằm trong lưu vực của huyện Gia Lâm. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 13.800 ha.

đ) Vùng tả Hồng - tả Đuống - hữu Cà Lồ gồm: huyện Mê Linh, Đông Anh và phần diện tích nằm trong lưu vực của huyện Gia Lâm. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 36.000 ha.

e) Vùng hữu Cầu - tả Cà Lồ bao gồm: Toàn bộ huyện Sóc Sơn. Tổng diện tích bảo vệ 30.651 ha.

g) Vùng hữu Tích - hữu Bùi gồm: phần diện tích nằm trong lưu vực của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây. Tổng diện tích bảo vệ khoảng 67.400 ha.

h) Vùng hữu Đáy, tả và hữu Mỹ Hà gồm: toàn bộ huyện Mỹ Đức. Tổng diện tích bảo vệ 23.004 ha.

[...]