Quyết định 90/2008/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 90/2008/QĐ-TTG
Ngày ban hành 09/07/2008
Ngày có hiệu lực 04/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 90/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 6938/TTr-BGTVT ngày 30 ngày 10 năm 2007, tờ trình số 2130/TTr-BGTVT ngày 03 tháng 4 năm 2008 và tờ trình số 4332/TTr-BGTVT ngày 05 tháng 6 năm 2008) và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng (tờ trình số 341/BXD-KTQH ngày 04 tháng 3 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Bao gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, trong bán kính ảnh hưởng từ 30 km ¸ 50 km.

2. Mục tiêu quy hoạch

- Cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998, xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;

- Xác định các nội dung ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến năm 2010;

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư phát triển giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

3. Các nội dung chính của quy hoạch

a) Các nguyên tắc xây dựng quy hoạch

- Phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2004, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008;

- Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị, phân bổ dân cư và quy hoạch hệ thống công trình công cộng đô thị của Thủ đô. Qua đó xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên phương thức hiện đại và dịch vụ vận tải hiệu quả;

- Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần vận tải đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên khoảng 35% ¸ 45% của tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố, phấn đấu giảm tỷ phần đảm nhận của xe máy xuống còn 30%;

- Xây dựng lộ trình đầu tư hợp lý để ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, tạo khâu đột phá phát triển đô thị Hà Nội.

b) Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đến năm 2020

- Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ

+ Các quốc lộ và cao tốc hướng tâm:

. Cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới, gồm: quốc lộ 1A (đoạn Hà Nội - Thường Tín và Cầu Đuống - Bắc Ninh); quốc lộ 6 (đoạn Hà Nội - Hoà Bình); quốc lộ 32 (đoạn Hà Nội - Sơn Tây); quốc lộ 2 (đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên); quốc lộ 3 (đoạn từ thị trấn Đông Anh);

. Xây dựng các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, theo các hướng: Hà Nội - Lạng Sơn; Pháp Vân - Giẽ - Thanh Hóa; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Việt Trì; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Hạ Long; Láng - Hoà Lạc.

+ Vành đai giao thông đô thị:

. Vành đai II: cải tạo mở rộng, xây dựng mới với tổng chiều dài khoảng 43,6 km theo trục Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy thành đường đô thị 4 ¸ 8 làn xe. Một số đoạn cá biệt trong nội thành sẽ xây dựng 4 làn xe trong giai đoạn đầu. Thời gian hoàn thành khép kín vành đai II trước năm 2010, riêng đoạn Đại La - Trường Chinh - Cầu Giấy sẽ được mở rộng sau năm 2010.

. Vành đai III: vành đai III có chiều dài khoảng 65 km. Trong đó, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp có hướng tuyến theo dự án nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua (văn bản số 945/CP-KTN ngày 13 tháng 8 năm 1998). Đoạn tuyến phía Bắc, từ Ninh Hiệp đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, được điều chỉnh đi qua các điểm khống chế Việt Hùng - Đông Anh - Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt vành đai Bắc, tránh khu di tích Cổ Loa).

Về chức năng và cấu tạo mặt cắt ngang: đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với cao tốc đô thị ở giữa. Đoạn cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Việt Hùng là đường cao tốc mang yếu tố đô thị. Đoạn từ Việt Hùng đến nút giao với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là đường phố chính. Đoạn tuyến nối giữa đường vành đai III với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua các điểm khống chế Ninh Hiệp, Đường Yên, Đồng Xuân là đường cao tốc với chiều dài 8,5 km. Mặt cắt ngang của đường vành đai III và đoạn Ninh Hiệp - Đường Yên - Đồng Xuân bảo đảm 6 ¸ 8 làn xe. Các cầu lớn gồm cầu Thanh Trì (vượt sông Hồng) và cầu Phù Đổng 2 (vượt sông Đuống). Đường vành đai III sẽ cơ bản hoàn thành trước năm 2010.

+ Vành đai giao thông liên vùng:

[...]