Nghị quyết số 148-CP về việc phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long trong kế hoạch 5 năm 1981-1985 do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 148-CP
Ngày ban hành 07/04/1981
Ngày có hiệu lực 22/04/1981
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 148-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 1981

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 148-CP NGÀY 7 THÁNG 4 NĂM 1981 VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG KẾ HOẠCH 5 NĂM 1981-1985

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, có những điều kiện đặc biệt về tự nhiên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện và phát triển ngư nghiệp.

Những năm qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các ngành ở Trung ương đã cố gắng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất lương thực, bước đầu cải tạo quan hệ sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Song do thiếu sự chỉ đạo tập trung, chưa có kế hoạch đồng bộ và sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, cũng như việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật chưa làm được bao nhiêu; phong trào hợp tác hoá nông nghiệp còn chậm, tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng còn yếu, nhất là ở cơ sở, nên chưa phát huy được tiềm lực to lớn của đồng bằng sông Cửu Long.

Trong kế hoạch 5 năm tới(1981-1985) quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ quyết định trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, cần tập trung chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho việc khai thác tiềm lực to lớn của đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng thành vùng trọng điểm số 1 về lương thực, thực phẩm của cả nước.

Để thực hiện chủ trương ấy, cần nắm vững và làm tốt những điểm sau đây.

I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU

Trong kế hoạch 5 năm (1981-1985), tập trung sức của trung ương và điạ phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tăng nhanh sản lượng lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu, bước đầu xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế nông - công nghiệp giàu có; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền quốc phòng và an ninh vững mạnh.

- Về nông nghiệp, phải làm tốt cả 3 mặt thâm canh, tăng vụ, khai hoang mở thêm diện tích canh tác, hết sức coi trọng thâm canh, kể cả trên đất tăng vụ, phục hoá và khai hoang để nâng cao năng suất trên toàn bộ diện tích gieo trồng, trước hết tập trung thực hiện thâm canh để đạt năng suất cao trên những địa bàn trọng điểm.

- Về ngư nghiệp, khai thác mọi nguồn lợi thuỷ sản, vừa đánh bắt cá, tôm biển, vừa nuôi cá, tôm nước ngọt, nước lợ để cung ứng thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và xuất khẩu.

- Về lâm nghiệp, phải bảo vệ tốt rừng hiện có và đẩy mạnh trồng rừng ở những vùng quy định. Phát động mạnh mẽ phong trào nhân dân trồng cây lấy gỗ làm củi để tự giải quyết phần lớn củi đun và một phần nhu cầu về gỗ.

- Phải phấn đấu đến năm 1985 đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

- Lương thực, thực phẩm: khoảng 9,5 triệu tấn lương thực quy thóc, trong đó có 9 triệu tấn thóc, 20 vạn tấn đậu tương, 30 vạn tấn thịt lợn; 2,5 vạn tấn thịt vịt và 500 triệu quả trứng, 13 vạn tấn cá, tôm nước ngọt, nước lợ.

- Nguyên liệu cho công nghiệp: 14 vạn tấn đay, 18 vạn tấn đường.

- Huy động lương thực cho Nhà nước từ 3,5 đến 4 triệu tấn thóc.

- Giá trị xuất khẩu đạt 350 đến 400 triệu đô la và rúp, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: đậu tương, đay, đường, thịt lợn, vịt (thịt, trứng, lông), dứa, chuối...

II. CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU

Nhằm đạt các mục tiêu nói trên, phải thực hiện một cách đồng bộ các biện pháp chủ yếu dưới đây:

1. Thuỷ lợi: Công tác thuỷ lợi phải đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp trên ba mặt thâm canh, tăng vụ, khai hoang, mà trọng tâm là phục vụ các địa bàn thâm canh cao sản, địa bàn tăng vụ lúa đông xuân, hè thu và khai hoang 15 vạn héc ta.

Trong 5 năm 1981-1985 tăng thêm diện tích gieo trồng được tưới nước là 550.000 hécta, để nâng cao tổng diện tích gieo trồng được tưới nước lên 1,8 triệu hécta.

Công tác thuỷ lợi cần dựa theo đặc điểm từng vùng, cơ cấu mùa vụ, tận dụng các điều kiện thuận lợi để xây dựng những công trình nhỏ và vừa, có tác dụng thiết thực tưới, tiêu nước, giữ ngọt, ngăn mặn, thau chua, xổ phèn, ngăn lũ sớm. Đẩy mạnh việc nạo vét, mở rộng và quản lý sử dụng tốt các kênh lớn. Duy trì và sử dụng tốt những máy bơm hiện có, chú ý phát triển các loại bơm thuyền di động. Đồng thời tích cực chuẩn bị để xâydựng các công trình thuỷ lợi lớn vào cuối kế hoạch 5 năm này hoặc đầu kế hoạch 5 năm sau.

Bộ thuỷ lợi phối hợp cùng các địa phương xây dựng quy hoạch cụ thể trên từng vùng, thiết kế các công trình thích hợp, huy động dân tự làm là chính, có sự giúp đỡ cần thiết của Nhà nước. Ngoài lực lượng lao động của địa phương, cần sử dụng lực lượng bộ đội để thi công những công trình lớn, kết hợp chặt chẽ lao động thủ công với phương tiện cơ giới.

2. Phân bón: Phải tận dụng mọi nguồn phân hữu cơ, nhất là phân chuồng, phân xanh. Sử dụng phân hoá học với hiệu quả kinh tế cao đối với từng loại đất, từng mùa vụ và từng giống cây trồng.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bảo đảm cung ứng phân hoá học với cố gắng cao nhất; số còn thiếu, các tỉnh bàn với Bộ Ngoại thương dựa vào xuất khẩu địa phương để nhập thêm. Tổng cục Hoá chất cần đẩy mạnh sản xuất sup-pe lân cung ứng cho đồng bằng sông Cửu Long 7 vạn tấn năm. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm vận chuyển số phân lân từ miền Bắc vào. Các địa phương tích cực nung nghiền các loại đá vôi, vỏ sò... để cải tạo đất.

3. Giống: Bộ Nông nghiệp và các địa phương có kế hoạch sử dụng rộng rãi các bộ giống lúa đã được nghiên cứu và kết luận là tốt (có năng suất cao, kháng rầy nâu hoặc chịu chua phèn, mặn, úng...), tiếp tục tuyển chọn các giống tốt ở địa phương và nghiên cứu lai tạo giống mới phù hợp với từng loại đất và mùa vụ. Phấn đấu sớm có được các bộ giống lúa tốt sử dụng rộng rãi trên phần lớn diện tích gieo trồng.

Ngoài cây lúa, cần sớm cung ứng đủ các loại giống cây trồng tốt (đậu tương, đay mía...) và giống chăn nuôi tốt (lợn, vịt, trâu, bò...)

Phát triển mạnh các trạm, trại giống cây con của Trung ương, tỉnh và có kế hoạch đưa giống đến cơ sở sản xuất hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hộ nông dân.

4. Chăm sóc và bảo vệ sản xuất: Phải đầu tư lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng, gia súc.

[...]