Nghị quyết số 108-HĐBT về việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 108-HĐBT
Ngày ban hành 08/10/1981
Ngày có hiệu lực 23/10/1981
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1981

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 108 - HĐBT NGÀY 8-10-1981 VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP Ở CÁC TỈNH MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU BẮC-BỘ

Miền núi và trung du Bắc-bộ, với truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc, với địa hình hiểm trở và nhiều tài nguyên phong phú, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, miền núi và trung du Bắc - bộ đã đạt được những thành tích nhất định, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Tuy nhiên, do các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ, chưa đặc biệt quan tâm chỉ đạo và chưa có chính sách phù hợp nên tình hình phát triển kinh tế ở miền núi và trung du Bắc - bộ còn nhiều vấn đề lớn phải giải quyết, đặc biệt là cân đối lương thực tại chỗ còn rất khó khăn, các thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp chưa được phát huy...

Để sớm xây dựng miền núi và trung du Bắc - bộ trở thành vùng giàu có về kinh tế, vững chắc về chính trị, tiến bộ về văn hoá và khoa học kỹ thuật, mạnh mẽ về quốc phòng và an ninh trật tự, Hội đồng bộ trưởng quyết định thực hiện những nhiệm vụ công tác quan trọng sau đây.

I. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HOÁ MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU.

Về phương hướng lâu dài, phải dựa trên nguyên tắc lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm trọng tâm để xây dựng toàn diện, phấn đấu trong khoảng từ 5 đến 10 năm giải quyết được những vẫn đề cơ bản của miền núi và trung du, bảo đảm được nhu cầu lương thực, phát huy được các thế mạnh về rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi, từng bước hình thành nền kinh tế có cơ cấu nông lâm - công nghiệp, đẩy mạnh một cách vững chắc tốc độ phát triển kinh tế và văn hoá, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng.

Trước mắt trong 5 năm (1981 - 1985), phải ra sức phát huy tiềm năng đất đai, lao động, thiết bị sẵn có để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và hàng tiêu dùng, bước đầu xây dựng kinh tế toàn diện, thực hiện 4 mục tiêu chủ yếu:

- Ổn định và cải thiện từng bước đời sống nhân dân các dân tộc, giải quyết cao nhất khả năng hậu cần tại chỗ; đặc biệt chú ý biên giới, vùng cao, khu công nghiệp...

- Củng cố quốc phòng và an ninh chính trị sẵn sàng chiến đấu.

- Từng bước xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết của chủ nghĩa xã hội.

- Từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Dựa vào phương hướng và mục tiêu chung nói trên, cần ra sức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Về nông nghiệp.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, tập trung giải quyết vấn đề lương thực, phát huy thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi.

Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, kết hợp cải tiến cơ cấu bữa ăn, phấn đấu tiến tới cân đối được lương thực trong toàn vùng, trong từng tỉnh. Trừ các khu công nghiệp và các huyện có chuyên canh cây công nghiệp, còn các nơi khác phải lấy địa bàn huyện để cân đối lương thực. Biện pháp chủ yếu để đẩy mạnh sản xuất lương thực là thực hiện thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích một cách thích đáng. Trên 50 vạn hécta ruộng lúa có thuỷ lợi hiện nay, chú ý xây dựng các cánh đồng thâm canh lúa. Trên diện tích 18 vạn hécta làm một vụ phải tăng lên 2 vụ. Đi đôi với đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, phải tích cực mở thêm diện tích ở những nơi có điều kiện.

Tăng nhanh sản lượng màu, đưa tỷ trọng màu trong lương thực lên khoảng 40% - 50%. Cần xác định cơ cấu cây lương thực ở từng vùng phù hợp với điều kiện địa phương, chú ý các cây ngô, giong riềng, khoai, sắn v.v... Trên diện tích mới khai hoang trồng màu, phải coi trọng thâm canh ngay từ đầu. Phải giải quyết đồng bộ các vấn đề chế biến, thu mua, tiêu thụ để đưa màu vào cơ cấu bữa ăn.

Đẩy mạnh sản xuất rau, đậu để tự túc ở từng vùng và cung cấp cho các khu công nghiệp. Ở những nơi thích hợp, phát triển lạc, đậu tương, mía, thuốc lá...

Tập trung đẩy mạnh thuốc lá, chè, coi chè là cây công nghiệp chủ lực. Khôi phục cây sơn, cây dó, mở rộng trồng trẩu, thầu dầu, cây ăn quả, cây dược liệu, đặc biệt chú ý sản xuất cây anh túc ở một số vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp.

Thực hiện tốt phương thức nông - lâm kết hợp, coi đây là phương thức canh tác hợp lý nhất ở vùng đồi núi, vừa chống được xói mòn, vừa thu hoạch được nhiều nông - lâm sản.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, ngựa, gia cầm, hết sức coi trọng các loại gia súc ăn cỏ, ăn lá; chú trọng tăng nhanh đàn trâu, bò nhằm giải quyết sức kéo, thịt, sữa tại chỗ và cung cấp sức kéo cho miền xuôi. Trong 5 năm tới, phải tự túc được thực phẩm trong vùng và trong phạm vi từng tỉnh, bảo đảm phục vụ yêu cầu về thực phẩm của quân đội, cán bộ, công nhân các khu công nghiệp.

Đẩy mạnh phong trào nuôi cá ruộng, cá ao, tích cực đầu tư nuôi cá ở các mặt nước lớn, khuyến khích phong trào nuôi ong.

2. Về lâm nghiệp.

Đặc biệt coi trọng công tác trồng rừng, bảo vệ và quản lý rừng, nhằm phục hồi môi sinh và đáp ứng các nhu cầu kinh tế, kể cả than, củi.

Trong vài kế hoạch 5 năm, hoàn thành việc phủ xanh đồi núi trọc với các loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, có khả năng bồi dưỡng đất đai. Chú trọng trồng cây lấy gỗ cho công nghiệp, nhất là công nghiệp giấy, sợi, gỗ trụ mỏ; hết sức bảo vệ các lâm sản quý có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Mở rộng ngay việc trồng cây phân xanh để bón cho rừng trồng. Trong 5 năm phải trồng mới khoảng 50 vạn hécta, phát triển trồng rừng trong cả 3 khu vực hợp tác xã, cá thể và quốc doanh nhưng dựa vào khuyến khích nhân dân trồng là chính.

Phải có kế hoạch khoanh núi nuôi rừng, giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng địa phương, từng cơ sở, hợp tác xã, đơn vị quân đội, trường học...

Ngăn chặn nạn phá rừng và nghiêm cấm tệ phá rừng; có kỷ luật nghiêm đối với cá nhân và đơn vị vi phạm pháp chế bảo vệ rừng.

[...]