Nghị quyết 137/2015/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016 do Tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 137/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2015
Ngày có hiệu lực 21/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng Páo Mỷ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/2015/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 11 tháng 12 năm 2015

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2016

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số: 136/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 5 năm, giai đoạn 2016-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình dự thảo Nghị quyết số: 1810/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015 và Báo cáo số: 356/BC-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015, kế hoạch năm 2016; Báo cáo thẩm tra số: 373/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2015, kế hoạch năm 2016 nêu trong Báo cáo số: 356/BC-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015

Năm 2015 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2011-2015; năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Thực hiện kế hoạch năm 2015 trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội trong tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Dự ước 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Tổng sản lượng lương thực có hạt vượt kế hoạch 3,2%, tăng 3,6%; trồng mới 526 ha cây cao su, vượt kế hoạch 5,2%; 485 ha cây chè, vượt kế hoạch 31,4%; thu ngân sách trên địa bàn vượt 18% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11%; số trường đạt chuẩn quốc gia vượt 10,6% kế hoạch, tăng 22,1%,… hoàn thành di chuyển toàn bộ số hộ tái định cư (TĐC) thủy điện Huổi Quảng, thủy điện Lai Châu. Quy mô mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, duy trì và giữ vững công tác phổ cập giáo dục các cấp học. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chỉ đạo, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn; tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn, hạn chế: Dự ước có 01/17 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra (Tốc độ tăng trưởng kinh tế); 04 chỉ tiêu lĩnh vực không đạt kế hoạch (số xã, phường thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ (bao gồm cả bác sỹ làm việc định kỳ), bình quân tiêu chí nông thôn mới (NTM) trên xã, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn). Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra ở một số nơi; triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế chưa đáp ứng nhu cầu; việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đạt kế hoạch đề ra. Đời sống của một bộ phận dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn, tình hình khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là các khiếu kiện liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống đồng bào tái định cư. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

(1). Tốc độ tăng trư­ởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 17,23%. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 21,18%; Công nghiệp, xây dựng: 33,14%; - dịch vụ: 45,68%. GRDP bình quân đầu người: 22,68 triệu đồng.

(2). Tổng sản lượng lương thực có hạt: 198 nghìn tấn; diện tích cây chè: 4.059 ha; tỷ lệ che phủ rừng: 46,2%; xây dựng 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 21 xã, đạt 21,9% số xã.

(3). Thu ngân sách trên địa bàn: 1.500 tỷ đồng.

(4). Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng địa phương: 7% (5,35 triệu USD).

(5). 97,9% (94/96 xã) xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa; 82% bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; 85% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 77% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

(6). Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học: Mầm non: 25,9%, Tiểu học: 34,2%, Trung học cơ sở: 18,9%, Trung học phổ thông: 7,7%.

(7). 58,3% xã (63 xã) đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8,74 bác sỹ/1vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 19,42%o; tỷ lệ giảm sinh: 0,5%o; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng: dưới 22,5%.

(8) Tỷ lệ hộ nghèo giảm: 3,2%, riêng các huyện nghèo: 3,5%; giải quyết việc làm: 6.800 lao động; đào tạo nghề 6.200 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 42,8%.

(9) 81,1% hộ gia đình, 65,3% thôn, bản, khu phố, 91,5% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Phát triển kinh tế

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tăng cường liên kết giữa nông dân với các Doanh nghiệp để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao từ khâu trồng đến tiêu thụ hàng hóa. Đẩy mạnh công tác ứng dụng các tiến bộ về khoa học vào sản xuất, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao thích ứng với từng vùng sinh thái vào sản xuất. Nghiên cứu, chọn lọc, bình tuyển, phục tráng để phát triển một số giống cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Lúa Tẻ râu, Séng Cù,... Năm 2016 tăng thêm 300 ha lúa 2 vụ tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Nậm Nhùn và Sìn Hồ; tập trung sản xuất trên 6.000 tấn lúa hàng hóa tại các cánh đồng lớn của huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; trồng mới 550 ha chè, 200 ha cao su và tiếp tục chăm sóc vùng chè, cao su đã trồng. Tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, chuyển mạnh từ chăn nuôi thả tự nhiên sang chăn nuôi có chuồng trại, kết hợp với trồng cỏ, bổ sung thức ăn, phòng chống rét và dịch bệnh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5%, tổng đàn gia súc đạt trên 335 nghìn con; khuyến khích mở rộng phát triển nuôi trồng thủy sản trên các ao, hồ.

Mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, đa dạng chủng loại cây lấy gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, cây dược liệu quý. Trồng mới 2.235 ha rừng và tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, ưu tiên hỗ trợ các xã đạt chuẩn theo kế hoạch.

[...]