Nghị quyết số 12/1999/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 1999 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 12/1999/NQ-CP
Ngày ban hành 05/11/1999
Ngày có hiệu lực 20/11/1999
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1999/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1999

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/1999/NQ-CP NGÀY 5 THÁNG 11 NĂM 1999 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 1999

Trong hai ngày 01 và 02 tháng 11 năm 1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 1999, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện và những giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam Lê Xuân Trinh trình bày Báo cáo về tình hình phát triển các khu công nghiệp Việt Nam thời kỳ 1991-1999.

Trong hơn 10 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với việc xây dựng và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động... Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và quản lý các khu công nghiệp cũng còn nhiều tồn tại và hạn chế, đặc biệt là về quy hoạch, dự báo và quản lý nhà nước, cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động khác và là một bộ phận quan trọng của lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và các cơ quan liên quan khác, hoàn thành các báo cáo tổng kết từng mặt hoạt động: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp tác phát triển chính thức (ODA), hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu ... trên cơ sở đó hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết về kinh tế đối ngoại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Bộ Chính trị.

2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trình bày Tờ trình Chính phủ về dự thảo Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Pháp lệnh này. Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Pháp lệnh chăm sóc người cao tuổi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh này. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về một số dự thảo Nghị định:

a- Chính phủ nhất trí thông qua 11 dự thảo Nghị định:

1. Nghị định quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình;

2. Nghị định về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình;

3. Nghị định về chế độ tài chính đối với các Tổ chức tín dụng, do Bộ Tài chính trình;

4. Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình;

5. Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, do Bộ Tư pháp trình;

6. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/CP ngày 20/1/1995 về an toàn lao động, vệ sinh lao động, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

7. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/CP ngày 03/10/1996 về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

8. Nghị định về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình;

9. Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông, do Bộ Giao thông vận tải trình;

10. Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ, do Bộ Giao thông vận tải trình;

11. Nghị định về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến các thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 11 năm 1999.

b- Chính phủ thảo luận một số nội dung trong dự thảo 2 Nghị định:

1. Nghị định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, do Bộ Công an trình. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao, Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để làm rõ nội dung quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Nghị định về giao dịch bảo đảm, do Bộ Tư pháp trình. Giao Bộ tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 11 năm 1999.

5. Tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng báo cáo về tình hình triển khai thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ; Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ báo cáo tình hình thực hiện việc khắc phục sự cố máy tính năm 2000 (Y2K); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 1999; Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh trình Chính phủ báo cáo tình hình thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo quý III năm 1999;

Chính phủ nhất trí thông qua các báo cáo này. Giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo, tổ chức và phục vụ cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 1999-2004. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đôn đốc giữ nghiêm kỷ luật lao động, thực hiện các biện pháp sắp xếp tổ chức bộ máy và lao động, đảm bảo các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đồng thời kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo ở các cấp, các ngành và địa phương nhằm tạo bước chuyển biến hơn nữa về chất lượng và hiệu lực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường cần phối hợp với Ban chỉ đạo khắc phục sự cố máy tính năm 2000 tiếp tục đôn đốc, kiểm tra thực hiện kế hoạch khắc phục sự cố này của các ngành và địa phương trọng điểm, đồng thời hoàn thành Kế hoạch dự phòng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 11 năm 1999.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 1999 đã có chuyển biến theo hướng tốt dần lên: sản xuất nông nghiệp được mùa lớn, công nghiệp phát triển khá, xuất khẩu và thu ngân sách tăng, nhưng nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 1999 còn khá nặng nề. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP ngày 09/7/1999, chú trọng đẩy mạnh chương trình đầu tư, giải ngân các nguồn vốn đang ứ đọng, tạo sức mua trong các tầng lớp dân cư, tăng nhanh xuất khẩu, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm để kích thích sản xuất phát triển, xử lý các vấn đề xã hội cấp bách, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm và bài trừ các tệ nạn xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân để tiến hành những biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả bão lụt.

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ