Nghị quyết số 10/1999/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 1999 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 10/1999/NQ-CP |
Ngày ban hành | 27/08/1999 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/1999 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/1999/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 1999 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/1999/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 8 NĂM 1999VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 1999
Ngày 25 tháng 8 năm 1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 1999, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Ngọc Hoàn trình bày "Báo cáo tình hình tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa". Chính phủ nhận định trong nhiều năm qua, mặt dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng trong thời gian gần đây, tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước và đã xảy ra một số vụ nghiêm trọng, dự luận xã hội rất quan tâm, đòi hỏi phải có các giải pháp cơ bản và đồng bộ hơn để sớm khắc phục.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời xây dựng, trình Chính phủ thông qua Chương trình quốc gia về an toàn giao thông; cụ thể hoá các giải pháp thành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn xảy ra, gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và xã hội; từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông trong cả nước.
Trước mắt, cần lựa chọn một số công việc cấp bách để tập trung làm trước ở các thành phố lớn, một số khu đô thị và các tuyến dường trọng điểm; gắn trật tự an toàn giao thông với việc tăng số phương tiện giao thông công cộng và chống ùn tắc giao thông tại các thành phố, khu đô thị.
2. Sau khi nghe Bộ trường Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội ban hành "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất" và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã nhất trí thông qua dự án Luật này.
Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội.
3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trình bày Tờ trình Chính phủ về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2000.
Giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát lại tiến độ chuẩn bị của từng dự án, đánh giá tính khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2000.
4. Tại phiên hợp này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng trình Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương tuần làm việc 40 giờ.
Chính phủ khẳng định, chủ trương tuần làm việc 40 giờ là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc cải thiện điều kiện lao động, chăm lo sức khoẻ cho người lao động, chăm lo phát triển nguồn nhân lực.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 10 năm 1999.
5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá trình bày "Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 1999".
Trong tháng 8, sản xuất lương thực tiếp tục được duy trì và phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng khá do giá xuất khẩu một số mặt hàng tăng, khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng hơn trước; các vấn đề về văn hoá, giáo dục, y tế và xã hội có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, mức tăng trưởng vẫn chậm; đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 1998; vốn đầu tư từ ngân sách và vốn tín dụng đầu tư Nhà nước triển khai chậm; giá cả hàng hoá tiêu dụng và dịch vụ tiếp tục giảm.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 08/1999/NQ-CP ngày 09/7/1999 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 1999; đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án đầu tư, khắc phục sự chậm trễ trong xây dựng và xét duyệt dự án để giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, tăng nhanh việc tiêu thụ các sản phẩm còn đang ứ đọng; đồng thời làm tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại gây ra.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |