Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP về giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/1999/NQ-CP
Ngày ban hành 09/07/1999
Ngày có hiệu lực 24/07/1999
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/1999/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 1999

Trong 2 ngày 5 và 6 tháng 7 năm 1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 1999 đã quyết định một số biện pháp cần tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 1999 như sau:

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Trong 6 tháng đầu năm 1999, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đồng bộ việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của Chính phủ: đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp kích cầu và phát huy nội lực; tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài; thúc đẩy cải cách và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, tập trung vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở 1000 xã đặc biệt khó khăn; đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, tiếp tục thực hiện đợt cao điểm phòng chống ma tuý...

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chương trình công tác đã đề ra từ đầu năm, với quyết tâm cao nhất, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 1999 tiếp tục ổn định; kinh tế vẫn tăng trưởng; lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ quốc tế tiếp tục được mở rộng.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội cũng bộc lộ nhiều mặt yếu kém, nổi lên là : tốc độ tăng GDP đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, lượng hàng hóa tồn kho tăng, thị trường trong nước kém sôi động; đầu tư xây dựng cơ bản chưa có chuyển biến tích cực, đầu tư của Nhà nước triển khai chậm, đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm mạnh, đầu tư của doanh nghiệp và của nhân dân vẫn trì trệ; số người không có hoặc thiếu việc làm tiếp tục tăng; một số tệ nạn xã hội, nhất là nạn ma tuý, mãi dâm, tiếp diễn phức tạp; tình trạng vi phạm trật tự, kỷ cương, pháp luật còn khá nặng trong đời sống xã hội.

B. CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 1999

Trong 6 tháng cuối năm 1999, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đã đề ra, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện 7 nhóm giải pháp lớn sau đây:

I. CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU ĐẦU TƯ VÀ TIÊU DÙNG NHẰM PHÁT HUY NỘI LỰC, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH.

1. Tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp huy động và giải ngân các nguồn vốn để bảo đảm tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã đề ra đầu năm.

a) Ngay trong tháng 7 năm 1999, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách năm 1999; những công trình nào đã có khối lượng thực hiện thì khẩn trương hoàn thành các thủ tục để thanh toán và cấp phát tạm ứng khối lượng đã thực hiện theo quy định.

Bộ Tài chính thực hiện việc ứng trước 40 - 50% giá trị khối lượng còn lại của kế hoạch năm 1999 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

b) Đối với nợ khối lượng xây dựng cơ bản năm 1996 - 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thanh toán và đã thông báo đến các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thanh toán dứt điểm trong Quý III năm 1999.

c) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trước hết, cần tập trung chỉ đạo sâu sát và kết hợp đồng bộ các biện pháp : kinh tế, hành chính, tuyên truyền, giáo dục để giải quyết tốt việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng. Trong tháng 7 năm 1999, Bộ Tài chính chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ đề án xử lý chính sách thuế đối với các dự án ODA.

d) Đối với tín dụng đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đầu mối cho vay khẩn trương triển khai việc huy động 7.400 tỷ đồng để cho vay theo mục tiêu quy định tại Quyết định số 146/1999/QĐ-TTg ngày 1 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chuẩn bị tốt các dự án vay vốn đầu tư; rà soát lại toàn bộ dự án vay vốn tín dụng đầu tư, những dự án nào có hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn thì kịp thời thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định, chấm dứt tình trạng "vốn chờ dự án".

đ) Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực nuôi tôm xuất khẩu, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản với lãi suất hợp lý; cần đi sâu bám sát các đối tượng vay vốn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để sớm thực hiện việc mở rộng mức vốn cho vay đối với hộ nông dân phù hợp với nhu cầu vốn sản xuất theo từng ngành nghề, thay đổi quy định về thủ tục thế chấp vay vốn theo hướng: đối với hộ nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu có nhu cầu vay vốn thì cần có xác nhận của ủy ban nhân dân xã về diện tích đất hộ nông dân đang sử dụng, không có tranh chấp.

e) Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan theo dõi quá trình thực hiện và đề xuất biện pháp tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trình Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đang thực hiện đầu tư và đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự giảm sút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong tháng 8 năm 1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ đề án về tiêu chí cho phép các doanh nghiệp liên doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và đầu tư mới theo phương thức này.

2. Huy động thêm 4000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước để bổ sung cho các công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục; cho chương trình cung cấp nước sạch miền núi, vùng sâu, vùng xa; cho chương trình giải quyết việc làm, di dân tự do và phát triển kinh tế, xã hội các xã nghèo biên giới chưa được đầu tư trong diện 1000 xã nghèo.

Số vốn nêu trên được ưu tiên bố trí cho những công trình cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào sử dụng trong năm 1999 và năm 2000; bố trí đủ vốn đối ứng của các dự án có vốn ODA; các công trình cấp bách thuộc ngành giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đã đủ thủ tục cần khởi công mới nhưng đầu năm chưa có vốn để bố trí.

3. Thực hiện các biện pháp kích cầu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.

a) Trong tháng 7 năm 1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng trình Chính phủ kế hoạch kiên cố kênh mương với cơ chế huy động vốn : đối với việc kiên cố hoá kênh mương liên huyện, liên xã, nguồn vốn đầu tư được trích từ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thu thuỷ lợi phí hàng năm, nếu thiếu sẽ được vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ngân sách nhà nước sẽ bù chênh lệch lãi suất; đối với việc kiên cố hoá kênh mương liên thôn, nội đồng, thực hiện theo phương thức dân đóng góp lao động, Nhà nước hỗ trợ vật tư xây dựng. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện tốt ở tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Nghệ An, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra các địa phương khác.

Trong tháng 7 năm 1999, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương việc sử dụng các nguồn thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ lợi phí và các nguồn thu khác để thực hiện kiên cố hoá kênh mương.

b) Trong tháng 8 năm 1999, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình Chính phủ kế hoạch nâng cấp mặt đường giao thông nông thôn. Việc nâng cấp mặt đường giao thông nông thôn được thực hiện theo phương thức huy động đóng góp của nhân dân, ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí.

c) Nhà nước dành một khoản vốn tín dụng ưu đãi cho ngân sách cấp tỉnh, thành phố vay xây dựng các công trình kiên cố hoá kênh mương, nâng cấp mặt đường giao thông và điện khí hoá nông thôn thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ngân sách cấp tỉnh, thành phố sẽ bố trí vốn trả trong một số năm sau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xác định nhu cầu vốn cần bố trí cho vay trong năm 1999 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm, tăng sức mua của dân cư.

a) Các Bộ, ngành cần chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, có phương án hạ giá bán một số sản phẩm, nhất là các sản phẩm còn tồn đọng lớn hoặc các sản phẩm thiết yếu.

Đối với một số mặt hàng còn tồn đọng lớn như than, xi măng, thép xây dựng, có thể thực hiện phương thức bán hàng trả chậm cho các hộ tiêu dùng, Nhà nước sẽ cho dãn nợ vốn vay của Ngân hàng và kéo dài thời hạn nộp thuế tương ứng với giá trị hàng hoá bán trả chậm. Trong tháng 7 năm 1999, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế này.

Trong tháng 7 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mua, bán hàng trả góp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ một số mặt hàng sản xuất trong nước.

b) Các bộ và địa phương chỉ đạo thực hiện tốt việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, biện pháp quan trọng là đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, khuyến khích các thành phần tham gia xuất khẩu.

c) Mở rộng mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến với cơ sở sản xuất nguyên liệu theo các hợp đồng kinh tế lâu dài. Các cơ sở chế biến tạo điều kiện ứng vốn, vật tư, giống và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu. Đối với các loại nông sản không qua chế biến thì tổ chức mua trực tiếp, hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ hết sản phẩm hàng hoá của mình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện việc này.

[...]