Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 09/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/07/2013
Ngày có hiệu lực 04/08/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/NQ-HĐND

Thành phố Hải Phòng, ngày 25 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 21/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị xem xét, thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Về mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất đã được quy hoạch cho lâm nghiệp để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trồng rừng mới, nâng cấp rừng trồng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, trồng cây phân tán trên quỹ đất tận dụng….

- Thu hút mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để bảo vệ và phát triển rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 đạt 4% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,5%, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ cho ngành chế biến lâm sản.

- Góp phần bảo vệ vững chắc hệ thống đê điều, kè luồng tàu biển, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gen quý hiếm.

- Nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện điều kiện sống của người dân; thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố phát triển, góp phần xây dựng thành phố đô thị sinh thái.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2013 - 2015:

Ưu tiên đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển, ven sông, đảm bảo hành lang các tuyến đê, kè, luồng tàu biển (đủ điều kiện trồng rừng) đều có dải rừng bảo vệ; bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; trồng cây phân tán; cải tạo nâng cấp hệ thống rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan sinh thái khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư. Bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái trong vùng.

Nâng tổng diện tích đất có rừng tập trung từ 17.989,2 ha năm 2012 lên 20.529,5 ha năm 2015. Độ che phủ của rừng tập trung đến hết năm 2015 đạt 13,4%. Trồng cây phân tán khu vực nông thôn 3.721.000 cây; trồng cây xanh khu vực đô thị 402.000 cây.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

Hoàn thành việc nâng cao chất lượng rừng, mở rộng dải rừng phòng hộ ngoài hành lang đê, kè luồng tàu, tăng cường khả năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Sử dụng rừng theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, cung cấp một phần nhu cầu lâm sản trong tiêu dùng của thành phố.

Nâng tổng diện tích đất có rừng tập trung từ 20.529,5 ha năm 2015 lên 24.238,1 ha năm 2020. Độ che phủ của rừng tập trung đến hết năm 2020 đạt 15,6%. Trồng cây phân tán khu vực nông thôn 4.025.000 cây, trồng cây xanh khu vực đô thị 351.000 cây.

2. Quy hoạch diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020

a) Quy hoạch diện tích các loại rừng đến năm 2015 là: 22.859,8 ha, gồm:

- Đất rừng đặc dụng: 9.931,6 ha;

- Đất rừng phòng hộ: 12.928,2 ha (gồm: Phòng hộ đồi núi 5.851,7 ha; phòng hộ ven biển, cửa sông 6.783,7 ha; phòng hộ ven sông 292,8 ha).

b) Quy hoạch diện tích các loại rừng đến năm 2020 là: 24.238,1 ha, gồm:

- Đất rừng đặc dụng: 9.931,6 ha;

[...]