Quyết định 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 158/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/12/2008
Ngày có hiệu lực 26/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 158/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (công văn số 33/TTr-BTNMT ngày 31 tháng 7 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Chương trình), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan điểm

- Ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.

- Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.

- Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.

- Các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương, được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện.

- Triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu khi có sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.

2. Nguyên tắc chỉ đạo

- Chính phủ thống nhất chủ trương và chỉ đạo thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đối với lĩnh vực này.

- Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo vệ sự phát triển bền vững đất nước, các giá trị văn hóa tinh thần và vật chất cho hiện tại và tương lai.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Chương trình được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn và có trọng điểm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, chủ động, kịp thời, khẩn trương và hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực.

- Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ khai thác tổng hợp, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên, đồng bộ với phát triển.

- Đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Phạm vi thực hiện Chương trình

Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo các giai đoạn sau:

- Giai đoạn I (2009 – 2010): giai đoạn khởi động.

- Giai đoạn II (2011 – 2015): giai đoạn triển khai.

- Giai đoạn III (sau 2015): giai đoạn phát triển.

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

[...]