Nghị quyết 07/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 07/NQ-HĐND
Ngày ban hành 27/04/2023
Ngày có hiệu lực 27/04/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Triệu Đình Lê
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 27 tháng 4 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH CAO BẰNG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 13 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 3/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 2046/BC-HĐTĐ ngày 22 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 về Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xét Tờ trình số 919/TTr-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc đề nghị thông qua quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên là 6.700,3 km2; gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Cao Bằng và các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển nhanh, theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và phát triển bền vững và toàn diện dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đặc thù và nội lực của tỉnh; tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài, nắm bắt cơ hội phát triển do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, thực hiện nhanh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững. Gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch và công nghiệp; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới có bản sắc, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Phát triển kinh tế - xã hội phải khai thác tối đa yếu tố đặc thù của tỉnh Cao Bằng về vị trí địa kinh tế - chính trị là cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc để huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, công trình quan trọng, tạo sự đột phá, có tác động lan tỏa lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như kinh tế cửa khẩu, du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành các cực tăng trưởng và các vùng động lực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong phát triển. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản gắn với lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp, công nghệ số tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế toàn tỉnh là hướng đi và giải pháp đột phá phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Cao Bằng.

c) Mô hình phát triển tỉnh Cao Bằng lấy con người làm trung tâm, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Phát triển phải đi đôi với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; lấy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của người Cao Bằng là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc thù về du lịch, nông nghiệp và thương mại bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

d) Phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên và mô hình chủ động thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm tính hợp lý, cân đối và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nội lực của từng tiểu vùng trong tỉnh. Bảo đảm mối quan hệ liên vùng huyện, liên huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và kết cấu hạ tầng. Tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể về sinh thái, văn hóa của từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh.

đ) Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh đột phá, thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn có sức cạnh tranh. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phải được ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu; xây dựng chính quyền số, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền. Cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được thực thi đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp; có trọng tâm, gắn với lộ trình cụ thể phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thay đổi tư duy cải cách theo hướng hỗ trợ, đồng hành, phục vụ, tận tâm vì sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và sự thịnh vượng của người dân. Giám sát thực thi để đảm bảo cải cách thực chất; có chế tài xử phạt đủ nghiêm khắc. Đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng điều hành, phục vụ cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp.

e) Với vị trí đặc biệt về quốc phòng, phên dậu phía Bắc của Tổ quốc, phát triển kinh tế tỉnh Cao Bằng phải kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh và gắn với quản lý, bảo vệ biên giới; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả sớm nhất thời cơ và lợi thế và khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế; đảm bảo đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết hiệu quả các các vấn đề xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Cao Bằng là tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động, xanh, bền vững và toàn diện, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng bình quân của vùng và là tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết nội tỉnh và liên tỉnh được cải thiện đáng kể; phát triển công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu công nghệ cao, phát triển du lịch bền vững và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc; bảo vệ, khôi phục rừng, đẩy mạnh trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước và ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Là trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh phía Tây, Tây Nam (Trung Quốc) và các nước ASEAN. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hợp tác đối ngoại được mở rộng; quốc phòng, an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về kinh tế

[...]