Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 26/03/2023
Ngày có hiệu lực 26/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 26 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỈNH THANH HÓA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh.

2. Xây dựng phương án kêu gọi, thu hút đầu tư để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh, bao gồm đầu tư công và thu hút các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn.

3. Xác định rõ các nguồn lực và giải pháp để thực hiện quy hoạch. Trong tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Những mục tiêu, định hướng phát triển chính của Quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội”.

Để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh đã đề ra các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời kỳ quy hoạch; cụ thể là:

1.1. Về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp

- Đối với khu công nghiệp: Tiếp tục thực hiện 08 khu công nghiệp[1] được duyệt với tổng diện tích là 1.424,2ha; phát triển mới 9 khu công nghiệp[2] với tổng diện tích 2.281,5 ha.

- Đối với cụm công nghiệp: Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha. Giai đoạn sau năm 2030, gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha.

1.2. Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất

- Về thu hồi đất: Giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh thu hồi 27.240,04 ha đất nông nghiệp, 4.288,24 ha đất phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Về chuyển mục đích sử dụng đất: Chuyển mục đích sử dụng 30.964,10 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp 14.626,59 ha; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp 1.191,14 ha.

1.3. Về thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước

a) Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư

- Phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là ưu tiên thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế của tỉnh, gồm: 4 trung tâm kinh tế động lực; 3 trụ cột tăng trưởng; 6 hành lang kinh tế.

- Có tính cấp thiết, tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn; phát huy lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội của tỉnh cho phát triển: Ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các ngành kinh tế tri thức; thu hút các dự án có tính chất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế; thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, cảng biển, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại lớn...

- Các dự án có tính lan tỏa sâu rộng giữa các vùng, miền, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh; các dự án hạ tầng kết nối các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh, dự án có tính chất dẫn dắt, tạo điều kiện để thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, các dự án tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất.

b) Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư

Giai đoạn 2021 - 2030 tập trung ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực sau:

- Trong lĩnh vực công nghiệp: Sản xuất hóa chất, sau lọc hóa dầu, phụ trợ lọc hóa dầu; luyện kim, cơ khí chế tạo; công nghiệp năng lượng; các thiết bị các thiết bị, linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động hóa trong sản xuất; thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may, giầy da.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: Chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi cung ứng; thu hút các dự án chế biến lâm sản xuất khẩu; sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Trong lĩnh vực dịch vụ: Các dự án du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái; thu hút các dự án phát triển phần mềm, công nghệ số, các dự án thương mại, dịch vụ logistisc tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Trong lĩnh vực hạ tầng: Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển; hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

[...]