Nghị quyết 04a/NQ-TLĐ năm 2014 về nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 04a/NQ-TLĐ
Ngày ban hành 24/06/2014
Ngày có hiệu lực 24/06/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04a /NQ-TLĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ
BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHOÁ XI

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

I. TÌNH HÌNH CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo phương châm vì cơ sở, hướng mạnh về cơ sở. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã cơ bản thực hiện các quy định của pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và đạt được nhiều kết quả trong việc: tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đại diện và tham gia với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được đào tạo cơ bản, tích cực học tập nâng cao trình độ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phân cấp quản lý thu, chi tài chính công đoàn, bước đầu tạo được sự chủ động về kinh phí để thực hiện nhiệm vụ.

Đạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn. Phần lớn cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

2. Hạn chế và nguyên nhân

a. Hạn chế

Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn dàn trải, chưa tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn; hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa cao; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở còn chậm; công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh còn mang tính hình thức; việc phân cấp quản lý, chỉ đạo công đoàn cơ sở còn chồng chéo, chưa có giải pháp cụ thể để hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động đầy đủ, kịp thời. Một bộ phận cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hạn chế về năng lực chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc khó khăn. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thật sự chủ động trong công tác tài chính công đoàn. Phương thức chỉ đạo hoạt động một số nơi còn mang tính hành chính, chưa sâu sát cơ sở, chậm nắm bắt thông tin, thiếu chủ động trong việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của cơ sở.

b. Nguyên nhân

* Nguyên nhân chủ quan:

- Việc ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc sáp nhập, hợp nhất, giải thể công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa kịp thời.

- Nhận thức của một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Công đoàn 2012 còn chậm.

- Một số nơi thành lập, duy trì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn. Phân bổ nguồn lực cán bộ, tài chính cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa hợp lý. Chưa chủ động làm việc với cấp ủy cấp huyện về công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt của liên đoàn lao động cấp huyện. Một số cán bộ chủ chốt công đoàn cấp huyện chưa kinh qua thực tiễn hoạt động công đoàn.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhiều nơi thiếu về số lượng, một bộ phận cán bộ thiếu kinh nghiệm hoặc hạn chế về năng lực chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Nguyên nhân khách quan:

- Một số nơi chưa coi trọng vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, việc giao số lượng biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của công đoàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

- Nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là liên đoàn lao động cấp huyện, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của địa phương, chưa tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với phương châm “Vì đoàn viên và người lao động; tập trung hướng về cơ sở”, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng của công đoàn, trong đó ưu tiên củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi có nhiều doanh nghiệp, có đông công nhân lao động.

2. Mục tiêu

- Tạo sự chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong các cấp công đoàn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động 2012. Trước hết, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

- Từng bước kiện toàn tổ chức, cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo theo hướng trực tiếp, sâu sát thường xuyên đối với công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động, khắc phục tính hình thức, dàn trải về nội dung hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Kiện toàn, củng cố tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

- Rà soát tình hình tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để củng cố, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và nguồn lực của tổ chức công đoàn theo hướng:

[...]