Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 93/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 12/12/2001
Ngày có hiệu lực 27/12/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 93/2001/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ MỘT SỐ LĨNH VỰC CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2001/NQ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2001;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại tờ trình số 3113/UB-TT ngày 07 tháng 9 năm 2001,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nội dung phân cấp quản lý nhà nước cho Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực sau đây:

- Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội;

- Quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Quản lý ngân sách nhà nước;

- Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

Điều 2. Mục tiêu phân cấp

Tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) nhằm đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả nước và khu vực.

Điều 3. Nguyên tắc phân cấp

Việc phân cấp quản lý cho Thành phố được thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất và thông suốt của Chính phủ; đồng thời phát huy trách nhiệm quyền tự chủ, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

2. Phân cấp quản lý gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra của các Bộ, ngành đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.

3. Phân cấp quản lý đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương; tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

4. Phù hợp với pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5. Phân cấp quản lý đi đôi với tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố và mở rộng dân chủ, thực hiện công khai cho cấp dưới tham gia bàn bạc và giám sát thực hiện.

Chương 2:

QUẢN LÝ VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI

Điều 4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch

1. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm:

a) Xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, hài hoà và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhưng không làm thay đổi quan điểm và định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Làm đầu mối trong việc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn để xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch ngành trên địa bàn;

[...]