Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu

Số hiệu 88/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 01/09/1999
Ngày có hiệu lực 16/09/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 88/1999/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU THẦU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế Đấu thầu, thay thế Quy chế Đấu thầu đã ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 93/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịchUỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quản trị Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ ĐẤU THẦU

(Ban hành kèm theo Nghị định số: 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ)

Quy chế Đấu thầu được ban hành nhằm thống nhất quản lý các hoạt động đấu thầu tuyển chọn tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và lựa chọn đối tác để thực hiện dự án hoặc từng phần dự án trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu, cơ sở và quy trình thực hiện đấu thầu

1. Mục tiêu của công tác đấu thầu là nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong quá trình đấu thầu để lựa chọn nhà thầu phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án.

2. Việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở từng gói thầu.

3. Quy trình đấu thầu bao gồm: chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, thẩm định và phê duyệt, công bố trúng thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng và ký hợp đồng.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế đấu thầu áp dụng cho các cuộc đấu thầu được tổ chức và thực hiện tại Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các dự án đầu tư thực hiện theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng có quy định phải thực hiện Quy chế Đấu thầu;

b) Các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc cổ phần có sự tham gia của các tổ chức kinh tế nhà nước (các doanh nghiệp nhà nước) từ 30% trở lên vào vốn pháp định, vốn kinh doanh hoặc vốn cổ phần;

c) Các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài được thực hiện trên cơ sở nội dung Điều ước được các bên ký kết (các bên tài trợ và bên Việt Nam). Trường hợp có những nội dung trong dự thảo Điều ước khác với Quy chế này thì cơ quan được giao trách nhiệm đàm phán ký kết Điều ước phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi ký kết;

d) Các dự án cần lựa chọn đối tác đầu tư để thực hiện:

[...]