NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2000/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2000 VỀ VIỆC
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐẤU THẦU BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ
88/1999/NĐ-CP
NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ
trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Nay sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế Đấu thầu ban
hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ
như sau:
1. Khoản
1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Quy chế Đấu thầu được áp dụng
để lựa chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư tại Việt Nam, phải được tổ chức đấu
thầu và thực hiện tại Việt Nam.
2. Khoản 3 Điều
4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
3. Chỉ định thầu:
Chỉ định thầu là hình thức chọn
trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo hợp đồng.
Hình thức này chỉ được áp dụng
trong các trường hợp đặc biệt sau đây:
a) Trường hợp bất khả kháng do
thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay thì chủ dự án (người được người có
thẩm quyền giao trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án) được phép chỉ định ngay
đơn vị có đủ năng lực để thực hiện công việc kịp thời. Trong thời gian 10 ngày
kể từ ngày quyết định chỉ định thầu, chủ dự án phải báo cáo người có thẩm quyền
hoặc cấp có thẩm quyền về nội dung chỉ định thầu; người có thẩm quyền hoặc cấp
có thẩm quyền nếu phát hiện việc chỉ định thầu sai với quy định phải kịp thời xử
lý.
b) Gói thầu có
tính chất nghiên cứu thử nghiệm, bí mật quốc gia, bí mật an ninh, bí mật quốc
phòng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
c) Gói thầu có
giá trị dưới 1 tỷ đồng đối với mua sắm hàng hoá, xây lắp; dưới 500 triệu đồng đối
với tư vấn.
Các gói thầu được chỉ định thầu
thuộc dự án nhóm A, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước
do Thủ tướng Chính phủ thành lập (Tổng công ty 91), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có dự án quyết định.
Khi chỉ định thầu các gói thầu
nêu tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này, người có thẩm quyền quyết định chỉ định
thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Trường hợp thấy không cần thiết
chỉ định thầu thì tổ chức đấu thầu theo quy định. Nghiêm cấm việc tùy tiện chia
dự án thành nhiều gói thầu nhỏ để chỉ định thầu.
Bộ Tài chính quy định cụ thể về
chỉ định thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc thường
xuyên của cơ quan nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; đồ dùng, vật tư,
trang thiết bị, phương tiện làm việc thông thường của lực lượng vũ trang.
d) Gói thầu có
tính chất đặc biệt khác do yêu cầu của cơ quan tài trợ vốn, do tính phức tạp về
kỹ thuật và công nghệ hoặc do yêu cầu đột xuất của dự án, do người có thẩm
quyền quyết định đầu tư quyết định chỉ định thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ vốn và các cơ
quan có liên quan khác.
đ) Phần vốn
ngân sách dành cho dự án của các cơ quan sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ nghiên
cứu về quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch
chung xây dựng đô thị và nông thôn, đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
giao nhiệm vụ thực hiện thì không phải đấu thầu, nhưng phải có hợp đồng cụ thể
và giao nộp sản phẩm theo đúng quy định.
e) Gói thầu tư vấn lập báo cáo
nghiên cứu tiền khả thi, khả thi của dự án đầu tư thì không phải đấu thầu,
nhưng chủ đầu tư phải chọn nhà tư vấn phù hợp với yêu cầu dự án.
Trong trường hợp chỉ định thầu
theo các nội dung quy định tại điểm a, b, c và d khoản này thì phải xác định rõ
3 nội dung sau:
- Lý do chỉ định thầu;
- Kinh nghiệm và năng lực về mặt
kỹ thuật, tài chính của nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu;
- Giá trị và khối lượng đã được
người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ cho chỉ định thầu
(riêng gói thầu xây lắp phải có thiết kế và dự toán được duyệt theo quy định).
Trong trường hợp cần khắc phục
ngay hậu quả thiên tai, địch hoạ, sự cố thì chủ dự án cần xác định khối lượng
và giá trị tạm tính, sau đó phải lập đầy đủ hồ sơ, dự toán được trình duyệt
theo quy định để làm cơ sở cho việc thanh quyết toán.
3. Khoản
2 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
2. Nhà thầu nước ngoài khi tham
dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam về xây lắp phải liên danh với nhà thầu Việt
Nam hoặc phải cam kết sử dụng thầu phụ Việt Nam, nhưng phải nêu rõ sự phân chia
giữa các bên về phạm vi công việc, khối lượng và đơn giá tương ứng.
4. Điểm
a khoản 2 Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Các doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh hoặc
thành phố được tham dự đấu thầu các dự án đầu tư trên địa bàn. Đối với đấu thầu
hạn chế chỉ cần mời tối thiểu 3 nhà thầu tham dự, nếu số lượng nhà thầu tham dự
ít hơn 3 thì phải mời thêm các nhà thầu khác ở ngoài địa phương tham dự đấu thầu.
Các nhà thầu của địa phương được
ưu tiên trúng thầu nếu hồ sơ dự thầu được đánh giá ngang với hồ sơ nhà thầu
khác.
5. Điểm c khoản
3 Điều 52 được sửa đổi, bổ sung như sau:
c) Phê duyệt các nội dung cơ bản
của quá trình đấu thầu:
- Đối với các gói thầu
thuộc dự án nhóm A và tương đương quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản
1 Điều 51 của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế Đấu thầu).
- Đối với gói thầu thuộc dự án
nhóm B, C và tương đương, trừ dự án của các doanh nghiệp trực thuộc được quyền
quyết định đầu tư theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều
51 của Quy chế Đấu thầu.
6. Điều 53 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
Bổ sung việc phân cấp phê duyệt,
thẩm định dự án Nhóm B, C và tương đương, người có thẩm quyền quyết định đầu tư
dự án nhóm B,C và tương đương của doanh nghiệp nhà nước vào Bảng 1 Điều 53:
Nhóm dự án
|
Cấp phê duyệt
|
Cấp thẩm định
|
Gói thầu thuộc ngành I, II, III
|
Nhóm B, C
và tương đương
|
Người có thẩm quyền của doanh
nghiệp nhà nước được quyền quyết định đầu tư
|
Bộ phận giúp việc liên quan
|
Tất cả các gói thầu thuộc dự
án
|
7. Điều 56 được
bổ sung khoản 5 như sau:
5. Trong quá trình xét thầu, từ
thời điểm mở hồ sơ dự thầu đến thời điểm công bố kết quả đấu thầu, không được
đưa những thông tin quy định tại khoản 2 Điều 56 của Quy chế Đấu thầu trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
8. Bỏ
khoản 4; khoản 2 Điều 61 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
2. Bộ Tài
chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn
và kiểm tra việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hoá, phương tiện làm
việc của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; mua sắm
vật tư, hàng hoá, phương tiện làm việc thông thường của lực lượng vũ trang từ
nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Điều 2.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
Điều 4.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quản trị
các Tổng công ty nhà nước và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này