Nghị định 55/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh người tàn tật

Số hiệu 55/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/07/1999
Ngày có hiệu lực 25/07/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế,Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

SỐ: 55/1999/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH VỀ NGƯỜI TÀN TẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về người tàn tật ngày 30 tháng 7 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Bảo vệ, giúp đỡ và tạo điều kiện để người tàn tật hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội.

Người tàn tật còn sức khỏe và khả năng hoạt động, được hỗ trợ để học văn hóa, học nghề, tạo việc làm.

Người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; người tàn tật nặng tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc; trẻ em tàn tật được Nhà nước và xã hội quan tâm chăm sóc và được trợ giúp xã hội theo quy định của Pháp lệnh về người tàn tật và của Nghị định này.

Điều 2. Người tàn tật là thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, được hưởng những chế độ ưu đãi theo ''Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng''. Ngoài ra, còn được hưởng những quyền lợi quy định chung đối với người tàn tật.

Người tàn tật được hưởng các quyền lợi sau:

1. Được cơ quan y tế hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình;

2. Được hưởng sự trợ giúp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

3. Được thành lập, gia nhập và hoạt động trong các tổ chức xã hội, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật theo quy định của pháp luật;

4. Khi có nhu cầu hướng nghiệp, tư vấn nghề, học nghề và tìm việc làm, thì được trung tâm dịch vụ việc làm giúp đỡ, giảm hoặc miễn phí dịch vụ; trong trường hợp tự tạo việc làm và làm việc tại nhà, thì được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật;

5. Được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng.

Điều 3. Người lao động bị tàn tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ. Ngoài ra, còn được hưởng những quyền lợi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 của Nghị định này.

Điều 4. Người tàn tật là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sinh sống, làm việc tại Việt Nam được áp dụng những quy định của Pháp lệnh về người tàn tật như sau:

1. Được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Pháp lệnh;

2. Được cơ quan y tế hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh;

3. Được tạo điều kiện để tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng.

Điều 5. Người tàn tật được giám định về dạng tật và mức độ tàn tật, để làm căn cứ thực hiện các chính sách trợ giúp theo quy định của Pháp lệnh về người tàn tật.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT

Điều 6.

1. Mức trợ cấp thường xuyên tối thiểu do ngân sách nhà nước cấp đối với người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; người tàn tật nặng, tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh về người tàn tật như sau:

a) Trợ cấp tại cộng đồng xã, phường quản lý bằng 45.000 đồng/người/ tháng;

[...]